Mạng xã hội, vốn rất "nhạy" với các vụ đánh ghen, mấy hôm nay lại sôi lên vì vụ hành hung dã man một phụ nữ ở Cà Mau, được Công an tỉnh tiếp nhận trình báo và vào cuộc điều tra vào ngày 24/4. Nạn nhân là cô M., 32 tuổi, sống tại huyện Năm Căn. Chiều 20/4, cô đang chạy xe máy trên đường thì bị 2 phụ nữ chặn lại, dùng mũ bảo hiểm đánh túi bụi, sau đó lôi lên một chiếc xe hơi chờ sẵn.
Trên ô tô, nạn nhân bị trói tay bằng dây rút, đánh đập và chở về một spa, nơi cô bị cắt tóc, bị xăm lên trán, đổ axit vào mặt. Cô chỉ được công an giải cứu sau khi chồng của một trong hai phụ nữ đó gọi điện trình báo. Nạn nhân cho biết cô bị đánh ghen vì vợ người đàn ông này nghĩ cô có quan hệ bất chính với anh ta.
Lâu nay trong các vụ đánh ghen chỉ gây ồn ào chứ không có tổn thất lớn, trên mạng xã hội thường có các luồng ý kiến trái ngược. Cư dân mạng vốn rất cảm tính, phụ nữ có gia đình thường có xu hướng đồng cảm với những người vợ bị phản bội, dẫn đến tâm lý cảm thông phần nào với hành vi "dạy dỗ tiểu tam". Tuy nhiên trong vụ việc kể trên, gần như 100% dư luận gay gắt lên án kẻ đánh ghen, mong muốn công an nhanh chóng điều tra và trừng trị nghiêm khắc.

Cô M. bị đánh ghen dã man, xăm và tạt axit lên mặt, cắt tóc. (Ảnh: Công an cung cấp)
Bên cạnh việc bày tỏ phẫn nộ với cách hành xử bạo lực, xúc phạm thân thể và nhân phẩm người khác, rất nhiều người đặt câu hỏi về người vợ đi đánh ghen: Tại sao phải khổ như vậy? Tại sao lại biến mình từ nạn nhân của nạn ngoại tình thành người vi phạm pháp luật, có nguy cơ bị xử lý hình sự? Tại sao lại để cho mình từ người cần được bảo vệ thành kẻ tội đồ, đáng lên án?
Thứ nhất, vì họ quá "vô minh" khi xử lý mâu thuẫn bằng bạo lực, điều mà cả pháp luật lẫn dư luận xã hội đều không thể chấp nhận hay bênh vực. Tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả, kẻ bạo hành sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy tố hình sự, vì không ai có quyền làm nhục hay gây thương tích cho người khác.
Thứ hai, các bà vợ bị ghen tuông làm mờ mắt đã quên rằng, không phải "tiểu tam", mà gã chồng ngoại tình mới là người họ phải "xử lý" đầu tiên (tất nhiên không phải bằng bạo lực). Cứ cho rằng kẻ thứ ba cố tình chen chân, nhưng nếu người chồng chung thủy với vợ, anh ta sẽ không sa ngã.
Vậy mà nhiều bà vợ khi bị phản bội thì một mặt tìm cách để mình trở nên quyến rũ hơn nhằm lôi kéo chồng trở về, một mặt đi tìm tình địch để chửi bới, đánh đập mong "đuổi" cô ta khỏi mối quan hệ. Vậy là, trong khi kẻ ngoại tình rung đùi hưởng lợi, hai người phụ nữ lao vào nhau "chiến đấu", đầu tóc tơi tả, cơ thể sây sát, bầm tím.
Phụ nữ đi tìm "tiểu tam" đánh ghen ngốc ở chỗ, trong khi ông chồng ngoại tình ung dung làm một kẻ vô can, thậm chí tự hào vì sự đào hoa, thì họ lại tự làm mình trở nên xấu xí với hình ảnh người đàn bà chanh chua, dữ dằn, thành "sư tử Hà Đông" trong mắt người đời, bị cười cợt và thương hại.
Tệ hơn, bằng việc "xử" tình địch để tranh giành đàn ông, họ tự hạ thấp giá trị của mình khi đánh nhau để tranh sủng. Người đàn ông ngoại tình đáng lẽ là người bị phán xử thì lại ở vị trí "ông chủ hậu cung" được quyền lựa chọn.

(Ảnh minh họa được tạo bởi AI)
"Phụ nữ hiện đại chỉ đánh son chứ không thèm đánh ghen", chị em thế kỷ 21 nên thuộc nằm lòng câu này để đừng khiến mình thiệt đơn thiệt kép nữa. Chồng ngoại tình là anh ta có lỗi với bạn, kẻ thứ ba cũng có lỗi với bạn, nhưng nếu bạn làm nhục và gây thương tích cho tiểu tam trong cuộc đánh ghen, bạn sẽ có tội với cả cô ta lẫn chính mình. Cái giá phải trả sẽ cực kỳ đắt, bạn sẽ bị pháp luật xử lý, danh dự của chính bạn bị hủy hoại, tổ ấm gia đình hay tình yêu với chồng cũng chẳng giữ được.
Có nhiều cách ứng xử khi chồng ngoại tình, hoặc tìm cách sửa chữa mối quan hệ để tiếp tục duy trì hôn nhân, hoặc ly dị nếu bạn cảm thấy không thể tha thứ cho sự phản bội, hay không tin chồng mình có thể sửa lỗi. Chẳng tội gì phải đi đánh ghen kẻo "vô phúc đáo tụng đình", giết chết cả hiện tại lẫn tương lai của bản thân, thậm chí của cả con cái nữa.
Trước khi lao ra ngoài để "dạy cho kẻ thứ ba một bài học" bằng bạo lực, các bà vợ bị phản bội nên tự hỏi, gã đàn ông ngoại tình có đáng để mình mang án tích, trở thành kẻ ác trong mắt con cái và xã hội hay không.