Tôi là mẹ của một cô con gái 16 tuổi – lứa tuổi chênh vênh giữa ngưỡng trẻ con và người lớn mà mọi người vẫn hay bảo là "dở dở ương ương".

Trước đây, tôi chỉ nghe thoáng qua cụm từ ấy mà chẳng mấy bận tâm. Cho đến khi chính mình rơi vào vòng xoáy khủng hoảng cùng con, tôi mới thấm thía ý nghĩa thực sự của nó. Đó là quãng thời gian tôi cảm thấy mình bất lực, bế tắc và hoang mang hơn bao giờ hết trên hành trình làm mẹ.

Nhưng cũng chính trong những ngày tháng chông chênh ấy, nhờ bộ phim " Sex Education" tình cờ xuất hiện như một người bạn đồng hành. Suốt một tuần liền, tôi chìm đắm trong từng thước phim, để rồi bất giác nhận ra mình vừa tìm thấy chiếc chìa khóa mở cánh cửa bấy lâu đóng chặt giữa hai mẹ con.

Bộ phim giúp tôi nhìn con bằng đôi mắt khác, hiểu được những điều con chưa từng nói, và dạy tôi cách lắng nghe, thấu cảm, đồng hành cùng con trên hành trình trưởng thành.

Khủng hoảng khi con bước vào tuổi dậy thì

Mọi chuyện bắt đầu từ năm con gái tôi chính thức vào cấp 3. Từ một cô bé ngoan ngoãn, hay cười, con dần trở nên trầm lặng, dễ cáu gắt và thường xuyên khép mình sau cánh cửa phòng. Tôi bắt đầu nhận ra những thay đổi lạ lùng ở con: những cuộc trò chuyện qua tin nhắn kéo dài đến khuya, những cuộc gọi rì rầm trong bóng tối.

Linh cảm của một người mẹ khiến tôi lo lắng. Tôi dò hỏi, tra xét, nhưng càng gặng ép, con càng khép mình, ánh mắt đầy thách thức. Một lần, tôi lén kiểm tra điện thoại của con và phát hiện những tin nhắn thân mật với một cậu bạn trai.

1-3-1739949831635873099360-1740019713247-1740019713376542032973.png

Hoảng hốt, tôi lập tức cấm đoán, cắt đứt mọi liên lạc giữa con và cậu bạn. Không dừng lại ở đó, tôi còn mắng mỏ, thậm chí dọa nạt với hy vọng kéo con về đúng quỹ đạo mà tôi cho là an toàn. Nhưng điều tôi nhận lại không phải là sự hối lỗi, mà là phản ứng dữ dội chưa từng có.

Con hét lên trong nước mắt: "Con ghét mẹ!" – rồi đóng mạnh cánh cửa như muốn tách tôi ra khỏi thế giới của con.

Khoảnh khắc đó, tôi lặng người. Một nỗi đau âm ỉ len lỏi trong lòng. Tôi biết, giữa tôi và con, đã có một bức tường vô hình dựng lên.

Những ngày sau đó, khoảng cách giữa tôi và con ngày càng xa. Tôi bối rối, hoang mang, không biết phải làm gì để kéo con về gần mình như trước. Trong nỗi bất lực bủa vây, tôi tìm đến người bạn thân để giãi bày. Cô bạn lắng nghe, rồi nhẹ nhàng khuyên: "Cậu thử xem bộ phim Sex Education đi, biết đâu lại tìm thấy câu trả lời".

Ban đầu, tôi xem phim chỉ vì tò mò, chẳng đặt nhiều kỳ vọng. Nhưng rồi, càng xem, tôi càng thấy mình đâu đó trong những tình huống trên màn ảnh.

Bộ phim mở ra trước mắt tôi thế giới của những cô cậu tuổi mới lớn – với những băn khoăn trước những đổi thay về cơ thể, những rung động đầu đời, những tò mò về giới tính, và cả những vấp ngã, dại khờ của tuổi trẻ.

Điều khiến tôi trăn trở nhất chính là mối quan hệ giữa Otis và mẹ cậu – bà Jean. Là một nhà trị liệu tình dục dày dạn kinh nghiệm, bà hiểu rõ tâm lý tuổi teen hơn ai hết. Nhưng ngay cả bà cũng từng mắc sai lầm khi kiểm soát con quá mức, khiến Otis cảm thấy ngột ngạt, mất đi quyền tự do trong chính cuộc sống của mình.

Bộ phim như một tấm gương soi chiếu lại những gì tôi đã làm. Tôi chợt nhận ra, mình đã sai. Tôi chỉ muốn con làm theo ý mình, nhưng chưa từng thực sự lắng nghe, thấu hiểu con. Tôi đã quên mất rằng, ở lứa tuổi ấy, con cũng có những nỗi niềm, những băn khoăn riêng, và con cần được tôn trọng, được đồng hành chứ không phải bị áp đặt hay điều khiển.

Thay đổi để trở thành bạn cùng con

Tôi quyết định thay đổi. Thay vì tra hỏi, cấm đoán, tôi thử mở lòng để lắng nghe con.

Tối hôm đó, tôi đứng trước cửa phòng con, khẽ gõ. Lần đầu tiên sau nhiều tháng, tôi cất giọng thật nhẹ nhàng nói: "Mẹ muốn hiểu con nhiều hơn. Con có thể chia sẻ với mẹ được không?".

Con mở cửa, ánh mắt thoáng chút cảnh giác, như sợ lại phải đối diện với những lời trách mắng. Nhưng rồi, tôi thấy sự căng thẳng trong mắt con dần dịu lại. Tôi không hối thúc cũng không vặn hỏi mà chỉ lặng lẽ ngồi xuống, kể cho con nghe về bộ phim vừa xem, về những bạn trẻ trong phim cũng từng chênh vênh, bối rối như con.

Lần đầu tiên, con lặng im lắng nghe tôi, không phản kháng, không lạnh lùng. Tôi cảm nhận rõ, khoảng cách giữa hai mẹ con dường như đã thu hẹp lại, như thể tôi đang từng bước chạm vào thế giới của con. Dần dần, con mở lòng tâm sự. Con kể về cậu bạn – một người luôn lắng nghe mỗi khi con buồn, đối xử với con rất tốt. Con thú nhận đã đôi lần nói dối để được đi chơi cùng bạn, vì sợ mẹ la mắng nên mới phải giấu giếm.

Tôi nghe mà lòng vừa nhói đau, vừa xót xa. Nhưng tôi tự nhắc mình, đây là lúc để thấu hiểu, chứ không phải phán xét.

Tôi kiềm lại những lời trách móc, thay vì nổi giận, tôi nhẹ nhàng hỏi con: "Nếu con là mẹ, con có lo lắng không?, có tức giận không?".

Nghe tôi hỏi vậy, con bỗng khựng lại rồi bật khóc. Giữa những tiếng nấc nghẹn ngào, con nói: "Nếu con là mẹ, chắc con cũng lo sợ con gái mình xảy ra chuyện gì đó. Con xin lỗi mẹ!".

2-2-17399498319221909425269-1740019713962-1740019714168246794323.jpeg

Tôi lặng người, nước mắt cũng trực trào. Không nói thêm gì, tôi chỉ lặng lẽ ôm con vào lòng. Đó là cái ôm đầu tiên sau những ngày tháng căng thẳng, xa cách. Khoảnh khắc ấy, tôi biết mình đã thực sự chạm được vào trái tim con.

Từ đó, tôi và con bắt đầu đặt ra những quy tắc mới – những quy tắc dựa trên sự tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau.

Tôi không cấm con yêu đương, nhưng mong con thành thật về mọi chuyện. Tôi dạy con về giới hạn, về việc biết trân trọng bản thân và tôn trọng người khác. Tôi không còn là người mẹ chỉ biết áp đặt, ra lệnh, mà dần trở thành một người bạn đồng hành trên hành trình con lớn lên từng ngày.

Khoảng cách ngày nào giữa tôi và con đã được lấp đầy. Chúng tôi không còn là hai người đứng ở hai đầu chiến tuyến nữa, mà vừa là mẹ con, vừa như những người bạn đồng hành, nắm tay nhau bước qua những chênh vênh của tuổi trưởng thành.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022