Tôi tên Bình, năm nay 75 tuổi. Tôi sắp vào viện dưỡng lão, dù không muốn nhưng vẫn phải đi. Ở tuổi này, tôi bắt đầu không còn tự chăm sóc bản thân đầy đủ được nữa, con cái thì bận rộn với công việc và phải chăm lo cho gia đình nhỏ của chúng. Vào viện dưỡng lão dường như là lối thoát duy nhất của tôi.
Khi vào thăm quan viện dưỡng lão, tôi thấy rất tốt: Phòng sạch sẽ, được trang bị các thiết bị tiện nghi như tủ lạnh, điều hòa,..,đầy đủ các phương tiện giải trí; đồ ăn cũng ngon và quan trọng là có bác sĩ túc trực.
Thế nhưng, chi phí nộp vào viện không hề nhỏ, mỗi tháng trung bình cũng phải 15 triệu đồng. Tôi chỉ là nông dân chân chất, tiền lương hưu không có mà chỉ dựa vào số tiền tiết kiệm ít ỏi để sống. Nếu quyết tâm vào đây đến cuối đời, tôi buộc phải giải quyết được bài toán kinh tế và ngôi nhà tôi đang ở chính là giải pháp.
Tôi vào viện dưỡng lão để không phiền tới các con khi về già
Ngôi nhà của tôi khá rộng, có cả sân vườn. Bên trong được trang trí rất tỉ mỉ, nội thất chủ yếu bằng gỗ vì tôi cảm thấy như vậy sẽ mát mẻ hơn. Trên mỗi bức tường, tôi và người vợ quá cố treo rất nhiều hình kỷ niệm của gia đình; những tấm bằng khen của các con hồi còn đi học và vài bức tranh đã cũ.
Tôi thích uống rượu nên con trai đã làm hẳn một tủ rượu cho bố. Bên trong lớp kính trong suốt là đủ các loại từ rượu trái cây tự ngâm, mao đài đến rượu ngoại đắt tiền.
Ngoài ra, để tôi không buồn chán, các con còn mua cho bố máy tập thể dục, máy massage lưng. Ở trong phòng kê một chiếc bàn vuông đủ 4 người ngồi để thi thoảng tôi rủ bạn tới chơi mạt chược, cờ tướng...
Còn ở viện dưỡng lão, căn phòng thật đơn giản, chỉ đủ phục vụ những nhu yếu cần thiết nhất của con người. Do đó, tôi sẽ phải từ bỏ tất cả những món đồ mà tôi yêu thích, giống như rời bỏ hết cả quá khứ và kỷ niệm để bước vào thế giới mới.
Lúc này, tôi mới chợt hiểu: Vì sao người giàu như Bill Gates lại muốn hiến tặng toàn bộ tài sản của mình sau khi qua đời. Tử Cấm Thành xưa kia thuộc về hoàng đế, nhưng ngày nay chẳng phải nó thuộc về nhân dân đó sao.
Đó là vì họ hiểu, ngay từ đầu tất cả những của cải vật chất đều không phải của họ, khi chết đi chẳng thể mang theo. Họ thật khôn ngoan!
Do đó, tôi quyết định họp gia đình để thông báo quyết định sẽ bán căn nhà này để lấy tiền vào viện dưỡng lão sinh sống. Các con tôi hết sức can ngăn.
Người con trai cả của tôi nói: "Bố à, nếu bố vào viện dưỡng lão sinh sống thì chẳng khác nào bôi nhọ vào mặt chúng con. Đường đường bố có 3 đứa con, nhà chúng con bố không ở, nhà cao cửa rộng bố bán đi. Sau này hàng xóm láng giềng sẽ chỉ trích chúng con là bất hiếu. Sao bố lại có thể hành động như vậy?".
Của cải vật chất ngay từ đầu chẳng phải của ta, đến khi chết đi ta chẳng thể mang theo được
Tôi nhìn các con một lượt rồi cười nhạt trả lời: "Tôi ở nhà anh 3 tháng thì vợ anh chê tôi nhà quê luộm thuộm; ở nhà thằng hai được 1 năm thì quá mệt mỏi vì suốt ngày lo việc nhà như osin, trong khi tôi là bố, là ông nội. Còn cái út, con nó bệnh tật, vợ chồng còn phải quần quật kiếm ăn, làm sao mà có thời gian chăm sóc cho ông lão đã 75 tuổi như tôi".
Nghe tôi nói xong, các con đều im lặng không dám ca thán nữa. Và nhất quán đồng ý để tôi đăng ký vào viện dưỡng lão.
Bán nhà xong, tôi có một khoản lớn trong tay nên đã chia cho con gái út một phần để hỗ trợ cháu trai chữa bệnh. Còn lại, tôi gửi cả vào ngân hàng để làm chi phí chi tiêu. Nếu sau này tôi mất sớm, số tiền còn lại sẽ được chia đều cho các con.
Đến ngày đã định, tôi chỉ mang một ít quần áo, vài quyển sách và đồ dùng cần thiết vào viện. Vậy mới thấy, đời người cũng chỉ cần ở một phòng, ngủ một giường, ngày ăn 3 bữa là đủ. Còn bao nhiêu đều là phù du mà thôi!
Theo Toutiao