
Tôi vẫn nhớ như in cái ngày chị dâu dắt vali ra khỏi nhà. Chị mặc chiếc áo khoác màu be nhạt, tóc buộc vội, không một lời từ biệt với con gái. Bé Na khi ấy mới 4 tuổi rưỡi, ngơ ngác ôm gấu bông đứng nhìn theo bóng mẹ khuất dần ở cuối ngõ. "Mẹ đi đâu thế hả cô?" - giọng nó ngây thơ khiến tôi nghẹn lòng.
Anh trai tôi - người đàn ông 35 tuổi với vị trí quản lý ở công ty nước ngoài - về nhà tối hôm đó với bộ mặt lạnh như tiền. "Bố mẹ nuôi cái Na đi, còn còn sự nghiệp, còn tương lai, con không nuôi nó được" , anh nói với bố mẹ tôi bằng giọng điệu như đang báo cáo công việc. Tôi đứng trong bếp, tay còn cầm chiếc đũa nhúng nửa chừng trong nồi canh, không tin vào tai mình.
Giờ mẹ thì bỏ đi, bố thì không chịu nuôi. Vậy con bé sống thế nào đây?
Tuần đầu tiên sau khi chị dâu đi, bé Na khóc đêm liên tục. Tôi vốn là một nhân viên thiết kế tự do vốn quen làm việc đêm đã phải thay đổi hoàn toàn lịch sinh hoạt. Những bản vẽ dang dở, những hợp đồng chưa hoàn thành, tất cả phải nhường chỗ cho việc ru cháu ngủ, đưa đón đi học mẫu giáo.
Anh trai tôi thuê người giúp việc nhưng bà ta chỉ đến dọn dẹp qua loa rồi về. "Anh đang bận dự án quan trọng" - câu nói cửa miệng mỗi khi tôi nhắc anh về đứa con gái ruột của anh. Có lần tôi gọi điện cho anh lúc 10h đêm vì bé Na sốt cao, chỉ nhận được tin nhắn: "Em đưa cháu đi bệnh viện hộ anh, anh đang tiếp khách".

Bố mẹ tôi năm nay đã ngoài 60. Họ nuôi tôi và anh trai bằng đồng lương giáo viên tiểu học ít ỏi. Có lẽ vì thế mà họ luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào người con trai duy nhất - niềm tự hào của cả dòng họ.
"Thế mày định thế nào? Mày không nuôi được nó thì mang đến trại trẻ mồ côi nào cũng được" , mẹ tôi nói trong bữa cơm tối khi thấy tôi than mệt. Bố tôi thở dài: "Anh mày bây giờ phải lo sự nghiệp, không thể vướng bận con cái. Mày chăm cháu được 1 tí mà kêu lắm thế?". Tôi nhìn sang bé Na đang ngồi xếp hình một mình ở góc nhà, lòng quặn đau.
Tháng đầu tiên, tôi ghi lại tất cả chi phí. Tiền sữa: 1.200.000đ. Học phí mẫu giáo: 1.500.000đ. Quần áo, đồ dùng học tập: 800.000đ. Tiền khám bệnh: 650.000đ
Tôi mang bản kê này đến gặp anh trai. Anh liếc qua rồi rút ví: "Đây, dư thì cho mày luôn". Cái cách anh đưa tiền như cho kẻ ăn xin khiến tôi tức nghẹn. Tôi đang nuôi con hộ anh cơ mà, tôi đâu có đi ăn xin ai đâu? Đã không được lời cảm ơn rồi thì chớ, tôi thật chỉ muốn tung hê hết cho xong.
Mọi chuyện lên đến đỉnh điểm vào sáng chủ nhật. Anh trai tôi dẫn bạn gái mới về ra mắt. Bé Na chạy ra ôm chân bố: "Ba ơi, hôm qua con được phiếu bé ngoan!" . Người phụ nữ kia nhíu mày: "Anh có con à?"
Tôi không bao giờ quên câu trả lời của anh: "À, con của em gái anh, không liên quan gì đến anh" . Bé Na đứng sững, đôi mắt mở to đầy ngơ ngác.
Tối hôm đó, tôi đấu tranh tư tưởng suốt đêm. Sáng hôm sau, tôi gửi cho anh trai tin nhắn: "Nếu đã không thể làm được 1 thằng bố đàng hoàng tử tế thì từ nay anh phải có trách nhiệm chu cấp đầy đủ cho con bé, còn việc chăm sóc nó tôi tự lo. Còn nếu anh vẫn cứ tiếp tục cái kiểu này thì tôi sẽ viết đơn tố cáo gửi cho công ty anh và nhờ cả pháp luật can thiệp".
Không ngờ chính hành động đó lại thay đổi mọi thứ. Anh trai tôi - người luôn tự hào về hình ảnh "quý ông thành đạt" - sợ hãi trước viễn cảnh ra tòa. Anh đồng ý gặp luật sư cùng tôi để thỏa thuận.
Anh trai tôi đồng thuận chu cấp cho con gái 10 triệu/tháng. Cuối tuần phải đón con đi ít nhất 1 ngày và tôi sẽ là người giám hộ chính thức.
Qua cơn bão tố này, tôi hiểu rằng gia đình không phải nơi để hy sinh một chiều. Có những con người không thể nói chuyện 1 cách bình thường, phải cứng rắn mới bảo vệ được người yếu thế. Và đôi khi máu mủ ruột rà chưa chắc đã yêu thương nhau đâu.
Bé Na giờ đã đi học lớp 1. Nó vẽ bức tranh gia đình nhưng chỉ có mỗi tôi, con bé và chú mèo mà cô cháu tôi đang nuôi. Tôi biết những vết thương lòng sẽ cần thời gian để lành. Nhưng ít nhất giờ đây, tôi có thể tự hào vì đã dũng cảm đứng lên bảo vệ cháu gái mình - điều mà lẽ ra cha mẹ nó phải làm.
Câu chuyện của tôi có lẽ không phải là trường hợp hiếm gặp. Bố mẹ ly hôn đi tìm cuộc sống mới, hạnh phúc mới cho bản thân mình những chẳng bao giờ tự hỏi rằng hạnh phúc nào dành cho đứa con của mình bây giờ...