Để không làm tổn thương và gây ra những rạn nứt không đáng có, khi cãi nhau vợ chồng nên tránh những việc sau:
Không cãi nhau trước mặt người ngoài
Cãi vã trước mặt người ngoài không giải quyết được vấn đề mà còn có tác dụng ngược. Khi đó, cả hai đều muốn giữ thể diện, cãi nhau trước mặt người khác không ai muốn tỏ ra bản thân yếu thế, hậu quả sẽ dẫn đến kết cục khó dàn xếp.
Vì vậy, trước mặt người ngoài, cần giữ thể diện cho bạn đời. Nếu không để tâm đến cảm xúc của đối phương, người khác cũng sẽ xem thường họ. Hạnh phúc hôn nhân không thể chỉ được vun đắp bởi một người. Khi xảy ra xung đột, hai bên nên hạ cái tôi xuống để khoan dung và tha thứ cho nhau.
Không cãi nhau trước mặt con cái
Mâu thuẫn và cãi nhau là chuyện của người lớn, không liên quan tới con trẻ. Nếu để trẻ chứng kiến cha mẹ cãi vã sẽ khiến tâm hồn non nớt của chúng bị ám ảnh, ảnh hưởng tới việc học tập, thậm chí lớn lên còn có thái độ tiêu cực về hôn nhân.
Dù không hài lòng với bạn đời, cũng không nên cãi nhau trước mặt con cái. Cha mẹ phải thực sự cẩn trọng và học cách điều chỉnh cảm xúc để tránh việc to tiếng, cãi vã trước mặt con. Nếu trẻ không thể cảm nhận được cảm giác yêu thương trong gia đình, hành vi của người lớn sẽ làm tổn thương đến chúng.
Ảnh minh họa
Không nên "động tay, động chân"
Khi vợ chồng cãi vã, chỉ cần hành động nhỏ như một cái tát cũng sẽ làm tiêu tan nhiều năm ân tình, mang lại ám ảnh khó nguôi ngoai với đối phương. Đó không chỉ là nỗi đau thể xác mà còn là nỗi đau tinh thần.
Vết thương trên da sẽ lành, nhưng vết sẹo trong lòng khó mà xóa nhòa. Vì vậy, các cặp vợ chồng nên nhớ, "động thủ" chính là điều không nên nhất trong việc giữ gìn hạnh phúc hôn nhân.
Không đập vỡ đồ đạc khi vợ chồng cãi nhau
Đừng tùy tiện đập đồ đạc khi vợ chồng xung đột bởi tiếng cãi vã vốn đã ồn ào, thêm tiếng đồ đạc vỡ vụn sẽ ảnh hưởng tới hàng xóm, khiến trẻ nhỏ sợ hãi.
Hơn nữa đồ đạc cũng là tài sản, là tiền hai vợ chồng bỏ ra mua sắm. Chỉ trong một vài phút nóng giận đã tự đập nát rồi phải dọn dẹp, điều đó có đáng? Làm vợ chồng nên nhường nhịn nhau, không ganh đua cao thấp hay phải là người chiến thắng trong mọi cuộc cãi vã, bởi nhịn vợ nhịn chồng cửa nhà mới yên ấm.
Đừng dễ dàng nói "ly hôn"
Trong mọi cuộc cãi vã, nhiều người thường lấy việc ly hôn ra vì cho rằng đối phương sẽ lo sợ, vì thế mà chịu nhường nhịn. Thế nhưng, việc dọa dẫm này vô cùng nghiêm trọng, đừng bao giờ tùy tiện nói thành lời, nó chỉ chứng minh rằng bạn không quá coi trọng hôn nhân nên mới dễ dàng nghĩ đến nó.
Người bị "đe dọa" ly hôn thì lòng tự trọng, tính tự tôn sẽ bị tổn thương nặng nề. Hậu quả là người dọa ly hôn thì lại không muốn ly hôn còn người chưa khi nào có ý định ly hôn thì lại quyết định ly hôn cho bằng được.
Luôn nhớ, "ly hôn" là từ nhạy cảm nhất, rất nguy hiểm khi bất cẩn nói ra những chữ này, sẽ rất dễ phá vỡ mối dây liên kết tình cảm giữa vợ chồng.
Không nói những lời tổn thương nhau
Nói những lời tổn thương, mang vợ/chồng so sánh với người khác... là cách làm của nhiều người khi xung đột với bạn đời. Những lời nói này sẽ gây tổn thương lòng tự trọng của đối phương; đẩy mâu thuẫn lên cao trào, thậm chí xảy ra nhiều việc đáng tiếc. Vì vậy, vợ chồng dù không vừa ý nhau cũng không được thốt ra những lời khiến nửa kia đau lòng.
Chồng là tay trái, vợ là tay phải. Tay trái sờ vào tay phải không có cảm giác gì; nhưng có ngày tay trái chảy máu, tay phải nhất định sẽ giúp cầm máu. Vì vậy, đừng ghét tay phải, càng không nên ghét bỏ tay trái. Vì tay trái nắm lấy tay phải tạo nên cuộc sống trọn vẹn, nắm tay nhau đi đến cuối cuộc đời, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, bình lặng mới thực sự là hạnh phúc.
Không lấy cái chết ra dọa
Có nhiều cặp đôi mỗi khi cãi vã là mang cái chết ra dọa dẫm người còn lại. Đây là hành động ngu ngốc nhất trong hôn nhân.
Hành động "dọa" tự sát càng đào sâu thêm hố ngăn cách giữa hai vợ chồng, và khiến đối phương trở nên "nhờn" hơn với sự chia ly.