Theo Ths.Bs Nguyễn Văn Hải - Trưởng trung tâm Tim mạch can thiệp BVĐK Hồng Ngọc đây là ca bệnh nhồi máu cơ tim ở người trẻ với những triệu chứng điển hình. Trước đó, bệnh nhân H.L, xuất hiện hàng loạt các biểu hiện như hồi hộp, ớn lạnh, chóng mặt, nôn, đau tức ngực trái, khó thở nhẹ kéo dài. Đặc biệt, thói quen thức khuya, hút thuốc lá thường xuyên, stress, cân nặng tới 100kg… của bệnh nhân được xem là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.
Thoát khỏi "cửa tử" nhờ can thiệp kịp thời
Qua thăm khám ban đầu, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển lên phòng can thiệp để chụp mạch vành số hóa xóa nền DSA. Kết quả ghi nhận, bệnh nhân bị tắc hoàn toàn ngay từ lỗ vào động mạch liên thất trước do huyết khối và hẹp nặng từ trước đó, nguy cơ đột tử rất cao.
Rất nhanh chóng, ekip bác sĩ tiến hành tái thông động mạch bị tắc bằng cách hút huyết khối, nong bóng tổn thương và đặt stent kích thước 3.5 x 38 (mm). Nhờ can thiệp nhanh, kịp thời nên giảm thiểu tổn thương tế bào cơ tim, tránh được những rủi ro như rối loạn nhịp, suy tim... Sau 24h can thiệp, bệnh nhân hồi phục sức khỏe tốt, không còn các triệu chứng đau tức ngực, chóng mặt, khó thở.
Hình ảnh động mạch vành của bệnh nhân trước và sau can thiệp đặt stent
Anh H.L là kỹ sư tin học, có lối sống ít vận động, béo phì, cân nặng tới 100kg, hút thuốc lá hơn 20 điếu mỗi ngày trong hơn 10 năm và thường xuyên bị stress, thức khuya do tính chất công việc. Đây là lối sống thiếu tích cực thường gặp ở những bệnh nhân trẻ tuổi. Điều này làm gia tăng các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim.
Ths.Bs Nguyễn Văn Hải chia sẻ: "Nhồi máu cơ tim là bệnh thường gặp ở đối tượng trên 45 tuổi, nên với độ tuổi 30 như bệnh nhân H.L thì thuộc nhóm rất trẻ, ít bị nghi ngờ mắc các vấn đề tim mạch. Do đó, bệnh nhân chủ quan, không thăm khám sức khỏe tim mạch thường xuyên. Khi phát hiện, bệnh đã diễn biến cấp tính nhanh. May mắn được chẩn đoán và điều trị sớm nên thoát khỏi cửa tử".
Cảnh báo bệnh nhồi máu cơ tim đang ngày càng trẻ hóa
Thực tế, Chuyên khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc tiếp nhận không ít trường hợp như anh H.L. Ths.Bs Nguyễn Văn Hải cho biết với nhịp sống hiện đại, bệnh tim mạch có xu hướng trẻ hóa rõ rệt, số bệnh nhân dưới 40 tuổi được bệnh viện điều trị ngày càng tăng.
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân dưới 40 tuổi bị nhồi máu cơ tim
"Khác với người cao tuổi, yếu tố nguy cơ tim mạch đến từ các bệnh rối loạn chuyển hoá lipid, đái đường và tăng huyết áp, ở người trẻ có thói quen sinh hoạt không lành mạnh: sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, lười vận động, béo phì, thường xuyên stress…" - Ths.Bs Nguyễn Văn Hải.
Việc nhận diện những dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch ở người trẻ, đặc biệt là triệu chứng nhồi máu cơ tim rất quan trọng. Các biểu hiện lâm sàng của nhồi máu cơ tim cấp là: Cơn đau ngực, đau như bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc hơi lệch sang trái, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón tay, vã mồ hôi, khó thở, nôn, buồn nôn, có thể rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, một số trường hợp, nhồi máu cơ tim cấp không rõ ràng, ẩn giấu, thiếu biểu hiện đặc trưng, rất khó phát hiện.
Khi xuất hiện các triệu chứng trên, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và can thiệp kịp thời. "Khung giờ vàng" quyết định thành công của việc điều trị một ca nhồi máu cơ tim là trong vòng 6 giờ từ khi khởi phát, tốt nhất là 1 – 3 giờ đầu tiên, điều trị càng sớm, càng hạn chế tối đa biến chứng, tiên lượng hồi phục nhanh.
"Trong bối cảnh hiện nay, việc tầm soát sức khỏe tim mạch rất quan trọng". Ths.Bs Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh. Dù bất cứ độ tuổi nào cũng không loại trừ nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Phòng ngừa các vấn đề tim mạch nói chung và nhồi máu cơ tim nói riêng ở người trẻ bằng việc loại bỏ các yếu tố nguy cơ, như điều chỉnh lối sống khoa học, ăn uống, tập luyện điều độ, kiểm soát tốt cân nặng, huyết áp, giảm tải stress… nên được ưu tiên hàng đầu.