bs.jpg

Nữ bệnh nhân 31 tuổi tên N. sống tại Tây Ninh phải vào khoa Bỏng và Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) trong tình trạng tai biến thẩm mỹ rất nặng.

Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây không lâu, chị theo dõi trên Tiktok và thấy tài khoản tên H.P.N., có hàng ngàn người theo dõi, tự nhận mình là bác sĩ thẩm mỹ. Kênh này thường xuyên đăng tải các clip sửa mũi, làm đẹp, chỉnh sửa mũi hỏng, với lời quảng cáo thay đổi diện mạo hấp dẫn.

Ngày 8/2, N. tìm đến một thẩm mỹ viện trên đường Lê Hồng Phong (quận 10, TPHCM) để gặp "bác sĩ Tiktok". Qua tư vấn, cô gái chấp nhận để bác sĩ N. nâng mũi cấu trúc và đặt sụn mũi, làm trụ mũi cho mình, với giá 100 triệu đồng.

Tuy nhiên khi thực hiện, N. lại được chuyển đến một bệnh viện thẩm mỹ khác trên địa bàn quận 10. Cô được tiến hành gây mê trong lúc sửa mũi.

Khoảng 3 tuần sau, chị N. quay trở lại gặp bác sĩ N. tái khám trong tình trạng 2 bên cánh mũi lõm vào, đầu mũi co rút nặng.

Người nhận sửa mũi cho chị N. trấn an cô rằng đây là tình trạng "tăng sinh mô", từ từ sẽ trở lại bình thường. Nếu muốn, bác sĩ N. sẽ tiêm collagen để mũi sớm đầy đặn lại. Tuy nhiên, chỉ sau vài tiếng tiêm, mũi của cô gái chẳng những không đầy mà còn bị sưng đỏ, sau đó chuyển dần sang màu tím đen.

bs1.jpg

Bác sĩ N. lại giải thích "không sao, chừng vài ngày sẽ hết", nhưng tình trạng càng lúc càng nặng nề. N. liên hệ một số bác sĩ khác để nhờ tư vấn thì được cảnh báo mũi có nguy cơ đã hoại tử nặng.

Sau khi rút sụn, chân mũi của chị N. tiếp tục bị sưng đen. Quá lo sợ, ngay sáng hôm sau, chị N. tìm đến Bệnh viện Trưng Vương cầu cứu. Tại đây qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện bệnh nhân không được tiêm collagen mà là filler (chất làm đầy) trên nền mũi đã từng chỉnh sửa trước đó, khiến mũi bị tắc mạch, hoại tử nặng.

Để xử lý cho bệnh nhân, các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật lấy hết các vật liệu bên trong mũi ra ngoài, mổ giải áp, xử lý tình trạng hoại tử. Sau 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân được cho về nhà tự theo dõi, chờ từ 3 - 6 tháng để hồi phục. Tuy nhiên sau đó, bệnh nhân lại tìm đến một spa trên đường 3/2 (quận 10) để cấy chỉ nâng mũi, vì nghe quảng cáo sẽ được chỉnh sửa thành công cấp tốc. Hậu quả, mũi cô tiếp tục bị tàn phá nặng.

"Khi bệnh nhân trở lại bệnh viện, chúng tôi tiến hành mổ, lấy ra đến 60 cọng chỉ được cấy vào mũi. Đây là số lượng thật sự khủng khiếp, không thể tưởng tượng được cơ sở nào lại làm chuyện sai hoàn toàn này cho bệnh nhân", bác sĩ điều trị bức xúc.

bs2.jpg

Trao đổi với PV, ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành - Chuyên gia da liễu cho biết, trong thực tế lâm sàng liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân rước họa vì tin vào các mẹo chữa bệnh da liễu được quảng cáo với công dụng thần thánh của các chuyên gia tự xưng trên Tiktok.

Điển hình như mới đây, sau khi xem được video hướng dẫn dùng nước lá trầu không để trị nám trên Tiktok, 4 phụ nữ ở Hà Nội đã rủ nhau đun lá trầu lấy nước để rửa mặt mong có được kết quả "vịt hóa thiên nga" như trong video.

Tuy nhiên sau một đêm, nám không những không hết mà gương mặt còn "nở hoa", khiến cả 4 chị em tá hỏa cùng dẫn nhau đi khám.

Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, BS Thành cho biết: "Tại thời điểm thăm khám, cả 4 bệnh nhân đều xuất hiện tình trạng viêm da kích ứng, dị ứng đồng thời da mặt có những vết loang lổ, chỗ trắng chỗ đen".

Theo chuyên gia này, việc dùng lá trầu không để trị nám là một "mẹo" hết sức nguy hiểm.

Mặc dù có chứa một số carbohydrate, axit glucouronic, axit α-hydroxy; một số axit amin tự do và tannin... nhưng trong lá trầu không đồng thời lại có chứa các dẫn xuất của phenol, catechol hoặc benzen. Đây là các thành phần đã được nghiên cứu cho thấy sự ảnh hưởng trong việc làm mất sắc tố, gây độc tế bào sắc tố, còn gây ra viêm da tiếp xúc và khiến tình trạng tăng sắc tố trở lại.

bs3.jpgMột trường hợp khác là nữ sinh mặt "nở hoa" vì dùng kem đánh răng chữa mụn theo Tiktok.

Cụ thể, trong một lần lướt Tiktok, nữ sinh 20 tuổi sống tại Hà Nội tình cờ xem được một đoạn video hướng dẫn mẹo chữa mụn bằng cách bôi một ít kem đánh răng. Thấy kết quả "thần thánh" mụn có thể biến mất ngay sáng hôm sau theo video, nữ sinh không nghi ngại gì mà học theo ngay.

Trái với kỳ vọng, chỉ sau một đêm, da mặt nữ sinh này không những không hết mụn mà còn "nở hoa", khiến cô phải tức tốc đi khám.

"Bệnh nhân đến khám với tâm lý vô cùng lo lắng và hoảng sợ. Trên mặt có rất nhiều thương tổn, bao gồm: Nhiều mụn viêm, mụn mủ trên nền da đỏ rát, ngứa ngáy, châm chích, khó chịu. Bệnh nhân cũng chia sẻ, bôi kem đánh răng vào vị trí mụn cảm giác ban đầu dịu mát, dễ chịu. Do đó đã bôi nhiều lần trong ngày và với nhiều vị trí trên mặt, gây ra tình trạng kích ứng", BS Thành chia sẻ.

Theo BS Thành, bệnh nhân được chẩn đoán mụn trứng cá kèm theo viêm da tiếp xúc kích ứng nặng. Với tình trạng này, việc điều trị sẽ phức tạp hơn mụn trứng cá thông thường ban đầu.

bs4.jpg

Đối mặt biến chứng nguy hiểm vì mẹo "3 thật, 7 giả"

Liên tục tiếp nhận câu hỏi về những mẹo "trời ơi đất hỡi" xem được trên mạng xã hội từ sản phụ, đây là thực trạng mà ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương gặp phải trong những năm gần đây, khi mạng xã hội bùng nổ.

"Uống mỗi ngày 2 quả dừa giúp sinh con trắng trẻo"; "dùng lá trầu không chữa viêm nhiễm vùng kín"; "khi mang thai tuyệt đối không được ăn cá sẽ làm ối đục"… và còn rất nhiều những câu hỏi tôi nhận được mỗi ngày từ các chị em nhờ kiểm chứng, sau khi họ xem được các chuyên gia mạng chỉ dẫn.

Trên thực tế, những mẹo này hoặc không có căn cứ khoa học, hoặc "3 thật, 7 giả": các "chuyên gia mạng" tự chắp vá thêm các nội dung phản khoa học dựa trên một thông tin đúng ban đầu", BS Thành phân tích.

Theo chuyên gia này, những người thận trọng nhờ bác sĩ kiểm tra các thông tin này vẫn là "may mắn", bởi đã có nhiều chị em vô tư làm theo lời các "bác sĩ tự phong" và dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

bs5.jpg

Chuyên gia này cho hay: "Tôi từng tiếp nhận không ít thai phụ bị tiểu đường thai kỳ vì nghe theo chuyên gia mạng, mỗi ngày uống đến 2, thậm chí 3 quả dừa để con sinh ra được trắng trẻo".

Trên thực tế, so với nhiều loại nước khác, nước dừa là một trong những loại thức uống mát, sạch, an toàn và giàu dinh dưỡng, rất tốt dành cho sức khỏe bà bầu. 

Nước dừa chứa một loạt các dưỡng chất nổi bật như vitamin A, E, canxi, kali, clorua,… rất cần thiết để cải thiện sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên lượng đường trong nước dừa tương đối cao. Do đó, nếu chị em uống nước dừa liên tục và kéo dài có thể dẫn tới bị dư ối, đa ối, bị tiểu đường thai kỳ.

Việc uống nước dừa chỉ nên duy trì ở mức 1- 2 ngày/lần đồng thời cũng cần được sự tư vấn của bác sĩ để phù hợp với tình trạng sức khỏe của sản phụ", BS Thành nhấn mạnh.

bs6.jpg

Các video về mẹo chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, dùng thuốc hay quảng cáo dịch vụ y khoa nhưng lại từ những người không có chuyên môn đang tràn lan trên mạng xã hội.

Mặc dù đã có nhiều trường hợp "tiền mất, tật mang" vì tin vào các chuyên gia tự phong này, được đăng tải trên phương tiện truyền thông, nhưng những video này vẫn thu hút được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng.

Lý giải về sức hút của các "bác sĩ Tiktok", theo BS Phan Chí Thành, đặc điểm chung của các "bác sĩ Tiktok" là có khả năng ăn nói rất lưu loát, gần gũi, bên cạnh đó, những video này được xây dựng khá công phu, với hình ảnh bắt mắt nên dễ thu hút được người xem, đặc biệt là giới trẻ, từ đó thôi thúc họ làm theo hoặc sử dụng dịch vụ.

Do đó, trên nền tảng mạng xã hội các "bác sĩ Tiktok" có lợi thế rất lớn về khả năng tiếp cận cộng đồng so với các y, bác sĩ, cơ sở y tế chính thống.

bs7.jpg

Trong khi đó, theo BS Nguyễn Tiến Thành, các nội dung của "bác sĩ Tiktok" đánh đúng vào tâm lý thích chữa bệnh theo tiêu chí "ngon, bổ, rẻ, nhanh" của nhiều người.

"Các mẹo hay phương pháp chữa bệnh, làm đẹp của các "bác sĩ Tiktok" đều được thần thánh hóa công dụng. "Chỉ sau một liệu trình", "thần tốc", "sau một đêm" là những cụm từ rất hay được sử dụng trong những quảng cáo này, để đánh đúng tâm lý của các bệnh nhân muốn nhanh khỏi bệnh", BS Thành phân tích.

bs8.jpg

Một trong những xu hướng chăm sóc da nổi bật nhất được cộng đồng làm đẹp trên Tiktok "truyền tai" nhau gần đây như: tiêm trắng, truyền trắng bằng Glutathione, peel da (thay da sinh học) tại nhà.

Những bí quyết dưỡng da này được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, với những công dụng thần kỳ như làm trắng da tức thì, giúp trẻ hóa, căng bóng làn da, trị dứt điểm mụn, nám, tàn nhang…

Điều này đã khiến nhiều người đam mê làm đẹp tìm cách thử nghiệm những phương pháp trên dù chưa biết chúng có thực sự tốt hay không.

Về vấn đề này, BS Nguyễn Tiến Thành phân tích: "Mặc dù được chia sẻ rất phổ biến trên Tiktok nhưng những phương pháp làm đẹp này không được các chuyên gia, bác sĩ da liễu đánh giá cao. Thậm chí, một vài phương pháp làm đẹp nếu không được áp dụng đúng cách còn có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho làn da".

bs9.jpg

Ví dụ như phương pháp truyền trắng bằng Glutathione, hiện nay, chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào khẳng định rằng việc truyền Glutathione vào cơ thể sẽ mang lại hiệu quả làm trắng da. Thậm chí, đã có những trường hợp bị sốc, nguy hiểm đến tính mạng khi sử dụng phương pháp này.

"Ngoài ra, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã nghiêm cấm việc sử dụng phương pháp tiêm truyền Glutathione", BS Thành nhấn mạnh.

Riêng với phương pháp làm đẹp tiêm Meso đang "gây bão" trên Tiktok thời gian gần đây, BS Thành cảnh báo: "Có rất nhiều bệnh nhân sau khi tiêm Meso ở những nơi không uy tín đã tìm đến tôi với tình trạng da mặt có sẹo lõm hoặc thậm chí bị nhiễm khuẩn sau khi tiêm Meso. Bản chất tiêm Meso không xấu nhưng nếu được thực hiện bởi những người không có chuyên môn thì phương pháp này rất có thể trở thành thảm họa với làn da của bạn".

Từ thực trạng này, các chuyên gia khuyến cáo, khi tiếp thu các thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là các thông tin y khoa, người dân cần có sự chọn lọc thật kỹ càng. Nếu cần tư vấn hoặc điều trị bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và có phác đồ điều trị chuẩn.

tiktok.jpg?width=150Yolo
Vi phạm pháp luật, suýt mất mạng vì làm theo TikTok

Theo Dân trí 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022