Bốn tuần lễ thời trang lớn nhất thế giới diễn ra trong tháng 9 - đầu tháng 10 mùa mốt Xuân Hè 2023 cho thấy xu hướng trang phục nhăn nhúm đang là mốt. The Row - nhãn hiệu do chị em nhà thiết kế Mary-Kate và Ashley Olsen sáng lập - đem tới những chiếc đầm bằng vải đũi trông giống ga trải giường. Burberry cũng gia nhập xu hướng này với váy lụa hằn nhiều nếp gấp.

burberry-lang-xe-trang-phuc-nhau-1666084721.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0NMXWAOnsmOWYpfKjkgvFA
Burberry lăng xê trang phục nhàu

Burberry lăng xê trang phục nhàu trong show Xuân Hè 2023. Video: Burberry

Bottega Veneta - show diễn gây tiếng vang lớn mùa này - giới thiệu trang phục nhiều nếp nhăn. Xuyên suốt những show khác, nếp vải nhăn nhúm xuất hiện trên hầu hết món đồ từ váy ngắn, váy midi cho đến những bộ tất màu xám. Prada cũng là một trong số những nhà mốt gây ấn tượng với trang phục trông như bị lỗi, nếp vải lởm chởm, rách hoặc nhàu nhĩ.

Xu hướng trang phục nhàu không chỉ xuất hiện trên sàn catwalk mà còn được nhiều người áp dụng trong thực tế. Những bộ quần áo nhăn có chủ đích được bày bán trên những khu phố cao cấp tại các cửa hàng như Zara và Weekday. Cuối tháng 9, diễn viên Julia Fox đến dự buổi dạ tiệc Ballet ở New York với chiếc áo khoác màu bạc của Zac Posen gợi nhớ đến tấm chăn bông.

Theo Guardian, quần áo nhàu trở thành xu hướng do sự thay đổi trong cách ăn mặc của mọi người thời dịch. Khoảng thời gian cách ly, mọi người có nhu cầu chọn trang phục xuề xòa hơn, ưu tiên sự thoải mái và tiện lợi. Thói quen này tiếp tục được duy trì trong xã hội "bình thường mới", chấp nhận sống chung với dịch bệnh và nỗ lực kiểm soát. Nhà thiết kế Raf Simons nói với Observer những thiết kế của Prada được tái tạo từ những vải để lâu ngày trong kho lưu trữ. "Điều này phù hợp với sự thay đổi của thời trang trong thế giới 'hậu đại dịch'. Chúng ta đang thoát khỏi sự hoàn hảo bóng bẩy, hướng tới những giá trị bên trong mỗi người", anh nói.

-4564-1666084778.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=d8NLZR67VN838k9-IpVYig

Diễn viên Julia Fox mặc thiết kế của Zac Posen đến sự kiện ở New York hôm 28/9. Ảnh: GC Images

Gary Armstrong, nhà tạo mẫu và giám đốc thời trang của tạp chí Circle Zero Eight, cũng đồng tình với quan điểm của Raf Simons khi cho rằng mọi người đã quen với việc mặc quần áo trông xuề xòa, thoải mái hơn. Armstrong cho biết nhà anh không có bàn là. Anh thấy việc ủi quần áo là "lãng phí thời gian". Armstrong coi quần áo nhàu mang đến "vẻ ngoài thanh lịch và sang trọng" và lấy các thiết kế của The Row là ví dụ điển hình. "Những thiết kế tưởng cũ rích và kém sang này lại có giá rất đắt. Chúng là cách để người ta thể hiện đẳng cấp, sự giàu có". Anh chê những thiết kế hoàn hảo, bóng mượt của Tom Ford đã lỗi thời.

Tuy nhiên, không phải thương hiệu nào cũng đi theo xu hướng này. Nhiều hãng phát triển công nghệ, cải tiến các loại vải để chúng không bị nhàu. Lululemon, Marks & Spencer, Uniqlo, TM Lewin và Charles Tyrwhitt tung ra thị trường các mẫu quần áo không cần đến bàn là. Joe Irons, giám đốc tiếp thị tại Charles Tyrwhitt, nói với CNN: "Nam giới hiện nay muốn có một cuộc sống dễ dàng, tiện lợi hơn. Họ yêu thích những sản phẩm không cần nhờ đến bàn ủi. 93% thiết kế áo thông minh của chúng tôi đều dùng loại vải không nhàu". Hiện 80% doanh số bán quần chino của Charles Tyrwhitt đều từ các món đồ sử dụng chất liệu này.

Tương tự, Alex Dimitriu, người đứng đầu bộ phận mua sắm quần áo nam của Marks & Spencer, cho biết dòng sản phẩm sơ mi "không cần là" bán chạy nhất. Thương hiệu Anh là nhà mốt đầu tiên giới thiệu dòng sơ mi không nhàu vào năm 1996. "Sau đại dịch, chúng tôi đã đánh giá lại cách khách hàng đang sống và làm việc. Những đổi mới này phù hợp với lối sống luôn bận rộn của mọi người", Dimitriu nói với Guardian.

Sao Mai

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022