Ngày 6/5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) yêu cầu như trên, trong bối cảnh gần đây liên tục phát hiện các sai phạm liên quan quảng cáo sai sự thật. Đặc biệt, nhiều người nổi tiếng quảng cáo "thổi phồng" công dụng thực phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN) gây hiểu lầm, khiến người tiêu dùng thiệt thòi.

Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, các quảng cáo sai lệch trên mạng, truyền thông hay các trang mua bán online sẽ bị xử phạt nghiêm. Danh sách các đường link, địa chỉ vi phạm cũng sẽ được công khai để người dân biết, tránh mua hoặc sử dụng các sản phẩm. Nếu chưa xác định được ai chịu trách nhiệm quảng cáo sai, cơ quan chức năng sẽ phối hợp với các bên liên quan để tìm ra người làm sai và xử lý theo quy định.

Anh-chup-Man-hinh-2025-05-06-l-6457-4146-1746506882.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Eh9h8Is8oh4JoXgs9Ij6Ww

Thùy Tiên cùng Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs (phải) trong một lần bán sản phẩm kẹo Kera online Ảnh: Chụp màn hình livesatream

Trên thực tế, thực phẩm, thực phẩm chức năng đang được quản lý theo cơ chế hậu kiểm, công bố sản phẩm và kiểm tra hậu mãi. Tổ chức cá nhân đưa sản phẩm phải đăng ký kinh doanh và công bố sản phẩm với Bộ Y tế hoặc Sở Y tế. Cơ quan quản lý sẽ xử phạt các tổ chức cá nhân vi phạm căn cứ pháp luật về thương mại, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng và quy định xử phạt hành chính sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm.

Chỉ trong năm 2024, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã xử phạt hơn 11 tỷ đồng đối với các đơn vị quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức phạt này vẫn chưa thực sự đủ sức răn đe. Hồi tháng 11/2024, trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan thừa nhận vẫn tồn tại tình trạng lách luật như bán hàng giả trên website, sàn thương mại điện tử, tổ chức hội thảo để lừa dối người tiêu dùng, nhất là người cao tuổi.

Bên cạnh đó, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội như Facebook, TikTok, Shopee..., tràn lan người nổi tiếng, TikToker, KOLs (Key Opinion Leaders), KOCs (Key Opinion Consumers) quảng cáo sản phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm.

Mới nhất là Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử xử phạt 37,5 triệu đồng với BTV Quang Minh và 70 triệu đồng với MC Vân Hugo vì quảng cáo sai về sản phẩm sữa. Hay trước đó, quảng cáo sản phẩm bổ sung Supergreens Gummies (còn gọi kẹo rau củ Kera) với những thông tin gây hiểu lầm như "một viên thay thế một đĩa rau xanh" của Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs truyền thông.

Đặc biệt trong vụ sữa giả, nhiều bác sĩ đã nghỉ hưu hoặc chuyên gia dinh dưỡng mặc áo blouse cũng xuất hiện trong các video quảng bá sữa, thực phẩm dinh dưỡng. Trong khi đó, theo luật, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, kể cả người đã nghỉ hưu, không được tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng do gây hiểu lầm cho người dùng.

Bộ Y tế khẳng định thực phẩm chức năng chỉ có vai trò bổ sung dinh dưỡng, hỗ trợ chức năng cơ thể và tăng cường sức khỏe, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. "Thực phẩm chức năng hỗ trợ cơ thể khỏe mạnh, nhưng không phải là thuốc. Người tiêu dùng cần hiểu rõ điều này, đừng tin vào quảng cáo sai sự thật", đại diện Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.

Để tránh bị lừa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin, không tin vào quảng cáo "thần thánh hóa" sản phẩm. Trước khi sử dụng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Quan trọng nhất, chỉ mua sản phẩm từ nguồn uy tín, nhãn mác đầy đủ, tránh mua hàng trôi nổi trên mạng.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022