Liên quan đến vụ triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán hàng giả quy mô lớn, thu giữ khoảng 100 tấn thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế giả, chiều 18-5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đang phối hợp với Công an TP Hà Nội để xác minh, làm rõ các sản phẩm.

Một số thực phẩm chức năng giả công an thu được trong đường dây. Ảnh: Công an TP Hà Nội
Trước đó, Công an TP Hà Nội đã triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán hàng giả quy mô lớn, thu giữ khoảng 100 tấn thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế giả. Đường dây này do Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt (cùng sinh năm 1988, cư trú tại phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) cầm đầu.
Các đối tượng khai, đã thành lập 17 công ty trong đó có 6 công ty có chức năng nhập khẩu hàng hóa, 11 công ty có chức năng phân phối hàng hóa trong nước. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ sai phạm.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, người tiêu dùng tuyệt đối không mua hoặc sử dụng các sản phẩm liên quan như hình ảnh sản phẩm thông tin báo chí đã đăng tải.
Sau khi có kết luận của cơ quan điều tra công an TP Hà Nội, Cục An toàn thực phẩm sẽ cập nhật thông tin trên website các sản phẩm thực phẩm chức năng giả để người tiêu dùng biết và không sử dụng.

Sản phẩm thu giữ trong vụ án - Ảnh: Công an TP Hà Nội
Để kiểm soát thực phẩm chức năng hiệu quả hơn, Bộ Y tế đang phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã thu hồi hiệu lực giấy tiếp nhận đăng ký công bố đối với hơn 30 sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Phần lớn sản phẩm do nhà cung cấp đề xuất, tự nguyện thu hồi.
Mới nhất là 3 quyết định thu hồi/ hủy bỏ hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm theo đề nghị từ phía doanh nghiệp. Đó là thực phẩm bảo vệ sức khỏe V-ImuC và thực phẩm bảo vệ sức khỏe V-liverC do Công ty cổ phần đầu tư thương mại và tư vấn Việt Phát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) công bố.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe CINTINO 500 do Công ty cổ phần Hypopharm Việt Nam (quận Hà Đông, Hà Nội) công bố; thực phẩm bảo vệ sức khỏe dạng xịt KD3 PRO do Công ty cổ phần Dược phẩm Liên Doanh Đức (quận Long Biên, Hà Nội) công bố.
Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng thu hồi hiệu lực giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với 14 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty TNHH Abbott Healthcare Việt Nam.

Thông báo thu hồi giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm được đăng tải công khai
Trước đó, Cục này đã ban hành quyết định thu hồi hiệu lực giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đối với 18 thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty TNHH Abbott Healthcare Việt Nam. Lý do thu hồi là tháng 10-2023 công ty gửi công văn xin tự nguyện thu hồi giấy công bố sản phẩm do không còn kế hoạch sản xuất, kinh doanh; không liên quan đến chất lượng sản phẩm.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết một số doanh nghiệp xin rút hồ sơ từ năm 2023–2024 nhưng đến nay mới được thu hồi giấy tiếp nhận công bố sản phẩm do Nghị định 15/2018 chưa quy định rõ. Gần đây, Cục đã xin chủ trương Bộ Y tế để thực hiện việc này.
Theo quy định, phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe muốn được lưu hành, phải được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.