Bệnh nhân được gia đình phát hiện trong trạng thái rối loạn ý thức, gọi hỏi không đáp ứng, được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cấp cứu ngày 11/2.
Trước đó 10 ngày, người đàn ông thường xuyên uống rượu khi gặp gỡ bạn bè mà không ăn uống. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp 10 năm, đái tháo đường 5-7 năm, nghiện rượu nặng và thường xuyên sử dụng rượu không rõ nguồn gốc.
Các bác sĩ đặt ống nội khí quản, thở máy và lọc máu liên tục để cứu chữa. Kết quả chụp sọ não cho thấy dấu hiệu teo não. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc methanol với tình trạng nguy kịch và tiên lượng tử vong cao.
Theo tiến sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, sau một ngày điều trị tích cực, tình trạng của người bệnh tạm thời ổn định nhưng vẫn phải tiếp tục thở máy và lọc máu để cân bằng rối loạn do rượu gây ra.
Nghiện rượu và lạm dụng rượu bia mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ, viêm gan, xơ gan, viêm tụy cấp, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim và thậm chí đột quỵ. Đặc biệt, uống rượu khi bụng đói khiến cồn hấp thu nhanh vào máu, gây say nhanh hơn, làm hạ huyết áp đột ngột và tăng nguy cơ ngộ độc. Methanol trong rượu, khi được chuyển hóa, trở thành chất độc gây trụy tim mạch, viêm gan và các tổn thương nặng nề khác.
Để bảo vệ sức khỏe, người dân cần hạn chế uống rượu bia. Nếu uống, nên chọn sản phẩm rõ nguồn gốc và tránh sử dụng các loại rượu trôi nổi trên thị trường để giảm nguy cơ ngộ độc.
![7e45916983393d676428-173933676-3296-8226-1739336828.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qXhdFo4OTKbLfIEOLsDSbw](https://i1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/12/7e45916983393d676428-173933676-3296-8226-1739336828.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qXhdFo4OTKbLfIEOLsDSbw)
Bác sĩ điều trị bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Thúy Quỳnh