Theo thống kê mới của Ủy ban châu Âu công bố hôm 6/12, năm 2023, Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận 3,67 triệu trẻ em sinh ra ở 27 quốc gia thành viên, giảm 5,5% so với năm 2022, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1961.

Romania là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với tỷ lệ sinh giảm 13,9%. Các nước khác cũng ghi nhận mức giảm đáng kể, bao gồm: Ba Lan (10,7%), Czechia (10%), Latvia (9,2%) và Slovakia (7,7%). Các nền kinh tế lớn nhất trong khối, gồm Pháp và Đức gặp tình trạng tương tự. Chỉ 5 quốc gia có tỷ lệ sinh tăng: Malta (3,6%), Bồ Đào Nha (2,4%), Bulgaria (1,1%), Cyprus (1%) và Ireland (0,5%).

Tỷ lệ sinh giảm mạnh khiến các chuyên gia lo ngại tình trạng sụp đổ dân số sẽ làm tê liệt nền kinh tế. Theo các nhà nhân khẩu học, giải pháp cần thiết để tránh hậu quả tàn khốc là chấp nhận người nhập cư. Nếu không, các cường quốc đứng trước tương lai thiếu nguồn lao động, giảm lực lượng đóng thuế và chăm sóc người già.

Các quốc gia EU đều có tỷ lệ sinh (số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) thấp hơn mức thay thế là 2,1 - mức cần thiết để dân số duy trì ổn định. Tỷ lệ sinh ở Anh và Wales trong năm 2023 chỉ là 1,44, mức thấp nhất được ghi nhận.

Các chuyên gia tin rằng xu hướng này một phần là do phụ nữ tập trung vào học hành và sự nghiệp. Tiến sĩ Melinda Mills, một nhà nhân khẩu học tại Đại học Oxford, cho biết ngày càng nhiều người có trình độ học vấn cao, gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm dịch vụ chăm sóc trẻ em khi phải cân bằng đời sống và công việc. Elina Pradhan, một chuyên gia y tế cao cấp tại Ngân hàng Thế giới, cho rằng những phụ nữ học thức cao chọn có ít con, do lo ngại tình trạng giảm nguồn thu sau khi nghỉ sinh. Họ lập gia đình ở tuổi ngoài 30. Do các yếu tố sinh học, việc mang thai lúc này khó khăn.

Điều kiện tiếp cận với các phương pháp tránh thai của phụ nữ cũng tăng cao. Họ dần thay đổ thái độ với việc sinh con. Tỷ lệ trường học dạy giáo dục giới tính đã tăng lên ở Mỹ kể từ những năm 1970 và trở thành bắt buộc ở Anh vào những năm 1990.

"Có một câu ngạn ngữ cổ nói, 'giáo dục là biện pháp tránh thai tốt nhất'. Tôi nghĩ điều đó thể giải thích sự suy giảm tỷ lệ sinh", giáo sư Allan Pacey, một nhà nghiên cứu về nam khoa tại Đại học Sheffield, cựu chủ tịch Hiệp hội Sinh sản Anh, cho biết.

Các cặp vợ chồng cũng chờ đến độ tuổi lớn hơn mới sinh con. Nền kinh tế mong manh của Anh và khủng hoảng chi phí sinh hoạt cũng khiến mọi người không muốn sinh đẻ, bằng chứng là tỷ lệ phá thai tăng đột biến. Họ lựa chọn quy mô gia đình nhỏ hơn, với "hai nguồn thu nhập, không con cái" hoặc "chỉ sinh một con".

social-1733478837-1733478844-4953-1733478885.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jvkARHtEgGCKBgXcXIQXQg

Trẻ sơ sinh tại một bệnh viện ở Pháp. Ảnh: WSJ

Chuyên gia sinh sản cũng cảnh báo các yếu tố sinh học, chẳng hạn số lượng tinh trùng giảm và những thay đổi trong quá trình phát triển tình dục, có thể "đe dọa sự tồn tại của loài người". Nghiên cứu của tiến sĩ Shanna Swan, một nhà dịch tễ học tại Trường Y Icahn tại Mount Sinai cho thấy, số lượng tinh trùng toàn cầu đã giảm hơn một nửa trong 4 thập kỷ qua.

Một số nhà khoa học thậm chí cho rằng không sinh không tốt cho hành tinh. Họ nhận định việc giảm số trẻ em trên trái đất giúp bảo vệ môi trường hiệu quả hơn các biện pháp như "tiết kiệm điện, di chuyển bằng phương tiện công cộng hay lựa chọn thực phẩm dựa trên lượng khí thải carbon khi canh tác".

Các chuyên gia tại Đại học bang Oregon tính toán, mỗi đứa trẻ bổ sung khoảng 9.441 tấn carbon dioxide vào "di sản carbon" của một phụ nữ. Mỗi tấn tương đương với việc lái xe vòng quanh chu vi Trái đất.

Dữ liệu này đang khiến những người yêu môi trường lựa chọn không sinh con. Trong khi đó, những người khác cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm là tương lai ảm đạm đối với thế hệ sau này.

Tỷ lệ sinh giảm đồng nghĩa các nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào người nhập cư khi dân số già đi. Dù nhiều nhà khoa học đã cảnh báo về mối đe dọa của quá tải dân số với môi trường, nguồn cung cấp thực phẩm và nhà ở, tuy nhiên, dân số già cũng là một thách thức.

Sự suy giảm dân số và việc người già sống lâu hơn sẽ khiến nhân khẩu học thay đổi mạnh mẽ. Lượng người dân đóng thuế giảm xuống, nguồn cung cho các dịch vụ cộng đồng, y tế cũng giảm. Ít người mua nhà và ô tô có thể làm đảo lộn nền kinh tế toàn cầu.

Một số quốc gia thậm chí đã trả tiền cho các bậc cha mẹ mới sinh con để tăng tỷ lệ sinh. Tiến sĩ Natalia Bhattacharjee, Trường Y Đại học Washington, cho biết các xu hướng này sẽ cấu hình lại hoàn toàn nền kinh tế toàn cầu và cán cân quyền lực quốc tế.

Giáo sư Andrew J. Scott, nhà kinh tế học tại Đại học London, cho biết tỷ lệ sinh thấp đang trở thành "điểm nhức nhối" ở EU. Tỷ lệ tăng trưởng việc làm trong thập kỷ qua đều đến từ những người trên 50 tuổi. Hiện thế giới có khoảng 8 tỷ người. Con số này dự kiến đạt đỉnh gần năm 2100. Dù vậy, các nghiên cứu đáng tin cậy cho thấy dân số sẽ giảm dần vào đầu năm 2070.

Thục Linh (Theo Daily Mail)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022