Nội dung chính

Chị L.T. X bị đau hạ sườn nên đã đi khám, bác sĩ nghi ngờ chị bị ung thư. Chị X lên tuyến trên khám chuyên sâu và được chẩn đoán mắc sán lá gan. Bác sĩ chỉ ra dấu hiệu mắc sán lá gan và cách phòng ngừa.

Khóc hết nước mắt vì tưởng mắc ung thư

Đang điều trị tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, chị L.T.X (34 tuổi, giáo viên mầm non tại Sơn La) được chẩn đoán mắc sán lá gan. Chị X cho biết cách đây hơn 1 tháng, chị bị đau bụng ở vùng hạ sườn phải. Chị X có uống thuốc dạ dày tuy nhiên không đỡ đau.

Cơn đau âm ỉ diễn ra vào ban đêm khi chị X ngủ và cả ban ngày khi chị đi dạy. Các cơn đau kéo dài 2 tiếng sau đó lại đỡ. Lần gần nhất chị X bị đau quặn bụng kéo dài không đỡ, lúc này chị mới đi khám.

Khi xem kết quả siêu âm, bác sĩ nghi ngờ chị X có khối u gan và yêu cầu chị lên tuyến trên để khám chuyên sâu.

"Nghe bác sĩ nói có khối u ở gan, tôi rụng rời chân tay, khóc cạn nước mắt", chị X tâm sự.

3e7c9c01fac45e9a07d5-1724031278258664755260-1724059877943-172405988125016813976.jpg

Nghĩ lại giây phút bác sĩ thông báo nghi ngờ mắc u gan, chị X vẫn bùi ngùi. (Ảnh: Ngọc Minh)

Nguyên nhân gây bệnh bất ngờ

Chị X thu xếp công việc, xin nghỉ làm và tới bệnh viện tỉnh Sơn La để thăm khám. Bác sĩ chỉ định chị X chụp cắt lớp CT gan. Kết quả khám cho thấy chị X có khối tổn thương áp xe ở gan, không phải u gan. Bác sĩ nghi ngờ chị X mắc sán lá gan nên đã giới thiệu chị xuống bệnh viện Đặng Văn Ngữ điều trị.

Bác sĩ Phùng Xuân Hách, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, bệnh nhân X được bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán nghi ngờ mắc sán lá gan nên tiếp tục được chuyển tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ điều trị. Kết quả xét nghiệm, chụp chiếu kết luận bệnh nhân mắc sán lá gan. Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc tẩy sán và theo dõi sức khỏe.

  • mac-san-la-gan-1-09590029-1716886614823-17168866163191465782484-40-0-490-720-crop-1716886710568721392948.jpg

    Nghiện ăn rau sống, người đàn ông bị sán lá gan bám chặt

Sau một tuần tẩy sán, sức khỏe bệnh nhân X đã ổn định. Bệnh nhân không còn triệu chứng đau tức hạ sườn. Bệnh nhân sẽ được xuất viện và hẹn tái khám định kỳ.

Chị X chia sẻ, chị chỉ ăn đồ sạch do nhà trồng hoặc chăn nuôi được, ít khi đi ăn ngoài.

Chị X cũng cho biết thêm: "Tôi thường ăn nhiều rau sống để làm mát cơ thể. Nhất là rau xà lách, rau mùi và rau ngổ. Trong đó, rau ngổ tôi ăn nhiều vì thích".

Theo bác sĩ Hách, sán lá gan phát triển theo chu kỳ ở ngoài môi trường. Khi người/động vật nhiễm sán lá gan thải trứng ra ngoài môi trường, trứng sán sẽ tiếp tục sinh trưởng và phát triển thành ấu trùng. Ấu trùng sẽ bám vào cây rau thủy sinh (rau ngổ, rau cần…). Nếu người dân ăn phải rau chứa ấu trùng sán chưa được nấu chín kỹ sẽ có nguy cơ nhiễm sán, gây tổn thương gan. Ở một số trường hợp, sán ký sinh lạc chỗ có thể gây tổn thương lá lách, cơ.

Khi nghe bác sĩ giải thích mắc sán lá gan có liên quan tới thói quen ăn uống, chị X đã rất bất ngờ.

"Tôi không ngờ ăn các loại rau sống dưới nước như rau ngổ lại có nguy cơ nhiễm sán, bác sĩ giải thích thì tôi mới hiểu", chị X nói.

Nữ giáo viên cho biết, sau khi điều trị về chị không dám ăn rau ngổ, rau sống nữa. Đồng thời chị cũng sẽ khuyên mọi người nên ăn chín uống sôi để hạn chế nguy cơ mắc bệnh ký sinh trùng.

8bb005a76262c63c9f73-17240314262901874122950-1724059886252-17240598863751363432181.jpg

Bác sĩ Hách đang khám cho chị X. (Ảnh: Ngọc Minh)

Nhận biết nhiễm sán lá gan

Bác sĩ Hách cho biết, triệu chứng khi nhiễm sán lá gan của mỗi bệnh nhân sẽ rất khác nhau, tùy theo mức độ và thời gian nhiễm bệnh. Thậm chí, có trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng nhưng đi khám sức khỏe định kỳ lại tình cờ phát hiện mắc sán lá gan.

Tuy nhiên, bác sĩ vẫn chỉ ra một số triệu chứng điển hình khi mắc sán lá gan để người dân có thể theo dõi. Cụ thể bao gồm:

- Đau tức hạ sườn phải, đau vùng thượng vị.

- Sốt, rối loạn tiêu hóa.

- Ăn uống kém, sụt cân…

"Sau khi điều trị sán lá gan, mức độ hồi phục của gan sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương trước đó. Nếu tổn thương gan nhỏ, chức năng gan có thể phục hồi lại như bình thường, còn các tổn thương gan lớn có thể sẽ để lại sẹo, xơ hóa ở gan", bác sĩ Hách lưu ý.

Bác sĩ Hách cho biết cách phòng ngừa bệnh sán lá gan hiệu quả nhất là thực hiện ăn chín, uống chín. Ngoài ra, người dân cần chú ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, rửa tay với xà phòng trước và sau bữa ăn. Khi nghi ngờ mắc sán lá gan, người dân nên tới các cơ sở chuyên khoa để thăm khám, phát hiện và điều trị bệnh sớm.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022