Rau củ quả là một phần không thể thiếu trong một chế độ ăn uống lành mạnh. Các thực phẩm này có lượng calo thấp nhưng chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi chẳng hạn như chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn cân bằng, giàu thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật là một trong những cách tốt nhất để tăng cường sức khỏe.
Khi nhắc đến loại rau củ có lợi cho sức khỏe, chúng ta không thể không nhắc tới cà rốt. Cà rốt giàu chất xơ, vitamin A, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6, carotene, kali, canxi, sắt,... Với hàm lượng dinh dưỡng cao, cà rốt giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe hiệu quả và được người Trung Quốc gọi là “tiểu nhân sâm”, chuyên gia Mã Quan Sinh, giám đốc Khoa Dinh dưỡng và Vệ sinh Thực phẩm tại Trường Y trực thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết.

Cà rốt được người Trung Quốc gọi là "tiểu nhân sâm".
Lợi ích cho sức khỏe của cà rốt
1. Hỗ trợ ngăn ngừa ung thư
Cà rốt rất giàu carotenoid (hợp chất thực vật có hoạt tính chống oxy hóa mạnh mẽ). Hợp chất này không chỉ giúp trung hòa các gốc tự do gây hại mà còn thúc đẩy hoạt động của các enzyme giúp ức chế sự tăng sinh tế bào bất thường.
Vừng đen: "Thần dược" giúp tóc bạc hóa đen hay chỉ là lời đồn?
Một số bằng chứng còn cho thấy carotenoid có thể hỗ trợ giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt, ung thư ruột kết và một số bệnh lý bạch cầu, theo tạp chí Health.
2. Tăng cường sức khỏe tim mạch
Chất xơ hòa tan trong cà rốt, đặc biệt là pectin, có thể giúp làm giảm hấp thu cholesterol tại ruột, từ đó hỗ trợ kiểm soát lượng cholesterol trong máu. Ngoài ra, cà rốt cũng giàu kali giúp điều hòa huyết áp hiệu quả.

Cà rốt giúp phòng ngừa ung thư, bảo vệ sức khỏe tim mạch.
3. Kiểm soát đường huyết
Tạp chí Health cho biết chỉ số đường huyết (GI) của cà rốt tương đối thấp, đặc biệt khi ăn sống hoặc hấp. Do đó, cà rốt là một trong những lựa chọn lý tưởng cho người cần kiểm soát lượng đường huyết.
Chất xơ trong cà rốt cũng làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu, đồng thời giúp ổn định mức insulin. Điều này không chỉ hỗ trợ người bị tiền tiểu đường hoặc tiểu đường type 2 mà còn giúp ngăn ngừa biến động đường huyết đột ngột.
4. Tốt cho gan
Beta-carotene trong cà rốt khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành vitamin A – dưỡng chất thiết yếu giúp duy trì sức khỏe của gan, ngăn ngừa tình trạng gan nhiễm mỡ và hỗ trợ tái tạo tế bào gan.
5. Tăng cường hệ miễn dịch
Vitamin A và vitamin C có trong cà rốt có thể giúp cơ thể tạo ra kháng thể miễn dịch, từ đó bảo vệ cơ thể khỏi virus, vi khuẩn và các tác nhân khác gây hại cho sức khỏe, tạp chí Health viết.

Cà rốt được nấu thành nhiều món ăn khác nhau.
Cà rốt trồng nhiều tại Việt Nam
Cà rốt là loại thực phẩm quen thuộc với người Việt Nam, được bán ở khắp các chợ, siêu thị. Theo thông tin đăng tải trên báo Dân tộc và Phát triển, cà rốt được gieo trồng từ tháng 8 đến đầu tháng 2 năm sau; thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau.
Theo thông tin tổng hợp trên báo Dân Việt, VOV, Lao động, Vietnamnet, cà rốt được trồng ở Đà Lạt, Bắc Ninh, Nghệ An,... và trồng nhiều nhất ở Hải Dương - nơi được coi là “thủ phủ” của cà rốt. Chỉ tính riêng tỉnh Hải Dương với cây cà rốt, hàng năm toàn tỉnh trồng khoảng 1.500ha, sản lượng đạt khoảng 80.000 - 100.000 tấn, đạt giá trị khoảng 800 tỷ đồng/năm, báo Dân Việt viết.
(Theo Zhihu, Health, Dân Việt, VOV, Lao động, Vietnamnet)