Theo bác sĩ Lê Thị Kim Ngọc, Phó khoa Nhi C Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, hiện số ca tay chân miệng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt những ca nặng tăng nhiều hơn. Khoa Nhi C có sức chưa 50 giường, nhưng hiện tại đã có 40 ca bệnh độ 2a, trẻ có dấu hiệu giật mình dưới 2 lần/30 phút và không ghi nhận lúc khám bệnh, sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39 độ C kèm theo nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ.
Những trẻ bị tay chân miệng độ 2a cần nhập viện để theo dõi mạch, huyết áp, nhịp thở, ngay khi có dấu hiệu của 2b sẽ chuyển xuống Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc Nhi để gắn những thiết bị, truyền thuốc cần thiết.
Bác sĩ Ngọc cho hay những năm trước các ca bệnh nặng nhập viện thường chỉ đến độ 2a, nhưng một tháng nay ngày nào khoa cũng có bệnh nhân chuyển độ từ 2a sang 2b hoặc đến độ 3. Thêm nữa, năm nay những trẻ chuyển sang độ 2b hoặc 3 phết dịch họng đều ra chủng EV71, những năm trước rất ít thấy.
Trẻ bị tay chân miệng với biểu hiện đặc trưng là nổi mẩn đỏ ở các vị trí lòng bàn tay, bàn chân
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM là một trong 4 bệnh viện tuyến cuối của TP chống dịch tay chân miệng nên để hạn chế tình trạng quá tải, hoặc xảy ra những trường hợp tử vong đáng tiếc, bệnh viện đã chủ động trao đổi chuyên môn với các bệnh viện tuyến quận, huyện và các tỉnh lân cận. May mắn, đến nay hầu hết các bệnh nhi nhập viện đều ở giai đoạn không muộn.
Tay chân miệng là bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá, vì vậy bác sĩ Ngọc khuyến cáo phụ huynh cần giữ sạch những bề mặt tiếp xúc với trẻ, cho trẻ ăn chín uống sôi, không để trẻ tiếp xúc với những trẻ bị bệnh. Những trẻ có biểu hiện tay chân miệng nên báo với nhà trường, tự cách ly ở nhà ít nhất là 10.
"Trẻ nhập viện ở khoa chủ yếu là dưới 5 tuổi còn đi học ở nhà trẻ, các em chưa kiểm soát được bàn tay nên hay bóc đồ ăn, các vật dụng đưa vào miệng, vì vậy những đồ chơi hoặc đồ vật tiếp xúc với trẻ phải được lau dọn thường xuyên" - bác sĩ Ngọc nói.