Sau 143 ngày được điều trị và chăm sóc tại Trung tâm chăm sóc và Điều trị sơ sinh, bé trai đã ổn định sức khỏe, tăng lên 2,2 kg, ăn tốt, bú mẹ, được xuất viện.

"Đây là ca bệnh điều trị lâu nhất tại bệnh viện, khoảng 5 tháng, được các bác sĩ phối hợp chăm sóc và phẫu thuật thành công ", phó giáo sư Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nói sáng 11/7.

Giữa tháng 3, người mẹ 38 tuổi, mang thai lần 3, được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương do dọa đẻ non ở tuần 23. Hai tuần sau, em bé chào đời bằng phương pháp đẻ thường khi mới 25 tuần tuổi, ối lẫn phân su.

Sau sinh, trẻ suy dinh dưỡng, suy hô hấp, thở nấc, phản xạ rất chậm, được đặt nội khí quản. Trẻ được chẩn đoán viêm ruột hoại tử, sốc nhiễm trùng trên nền trẻ sinh cực non, nhẹ cân. Trẻ phải thở máy cao tần, dùng kháng sinh và nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch.

Viêm ruột hoại tử là bệnh lý rất nguy hiểm có thể khiến trẻ tử vong. Tỷ lệ viêm ruột hoại tử 15-20%, thường xảy ra ở ngày thứ 10-45 sau sinh. Sau giai đoạn viêm ruột hoại tử, bé được chẩn đoán hẹp ruột.

"Trẻ ăn qua đường tiêu hóa ậm ạch, khó tiêu, bụng chướng, quai ruột nổi nên phải nhận dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch", bác sĩ Phạm Hoàng Thái, Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, nói.

356881593-803217921180312-8408-2798-4187-1689052217.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7NdknlRuENbb523BU5TCWQ

Sau 5 tháng nằm viện, bé trai được xuất viện ngày 11/7. Ảnh: Lê Nga

Khi hội chẩn với PGS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi, Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cho trẻ. Hôm 13/6, khi bé được 1,8 kg, đủ điều kiện, PGS Hoa đã mổ cắt đoạn hẹp và nối lại tại Bệnh viện Việt Đức. "Ruột của bé bị hẹp, chỉ bằng 1/5 ruột trẻ bình thường", bác sĩ Hoa nói.

Với những em bé non tháng, nguy cơ hạ thân nhiệt trong mổ rất cao, có thể dẫn đến mất não. Vì vậy, kíp phẫu thuật luôn phải có kế hoạch giữ thân nhiệt cho bé. Phòng mổ không được để chế độ mát, em bé được bọc trong nilon, dùng máy sưởi, còn các bác sĩ đổ mồ hôi nhễ nhại, phải dán bông vào mặt để ngăn mồ hôi rơi ra.

"Thậm chí, khi trẻ có dấu hiệu hạ nhiệt, chúng tôi phải dùng nước ấm rửa bụng cho trẻ ngay để giữ ấm" bác sĩ Hoa nói. Ca mổ thành công, sau mổ, trẻ tiếp tục được chuyển về Bệnh viện Phụ sản Trung ương để tiếp tục chăm sóc và nuôi dưỡng.

356284388-308756198172772-4002-6489-5078-1689052217.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=x16M8L-szNxQMDkvfEVhPA

PGS Trần Danh Cường cùng PGS Nguyễn Việt Hoa chúc mừng hai mẹ con xuất viện. Ảnh: Lê Nga

Ông Trần Danh Cường đánh giá việc nuôi dưỡng thành công em bé này là nhờ sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa hai bệnh viện. Các bác sĩ sơ sinh đã nỗ lực nuôi sống, chăm sóc trẻ đủ điều kiện để các các bác sĩ nhi phẫu thuật.

"Chăm sóc cho bé là tiến trình gập ghềnh, có những giai đoạn chúng tôi phải giật mình. Thậm chí có những lúc gần như vô vọng", ông Cường nói, thêm rằng trẻ sinh non thì tất cả cơ quan gan, thận, não, ruột đều non yếu.

Bệnh viện Phụ sản Trung ương từng theo dõi, điều trị, nuôi dưỡng thành công nhiều trường hợp sơ sinh non tháng chào đời ở tuần thai 25-27. Năm ngoái, đơn vị này nuôi sống trẻ sinh non chỉ nặng 400 gram, là em bé sơ sinh nhẹ cân nhất Việt Nam.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022