Trả lời:
Tùy từng thực phẩm sẽ có thời gian bảo quản khác nhau. Với rau xanh khi ăn thừa, khuyến khích nên vứt bỏ, bởi đây cũng là thực phẩm rẻ tiền. Nếu để lâu, rau không chỉ mất chất dinh dưỡng mà một số loại rau có thể chứa nhiều nitrat, để qua đêm lượng nitrat dễ biến đổi thành nitrite. Nitrite không phải là chất quá độc hại nhưng thừa quá mức có thể tạo nitrosamine - một chất gây ung thư.
Tương tự với các loại gia vị, điển hình là nước mắm, nếu giữ lại dùng hoặc để qua đêm, chúng không còn ngon miệng và dễ bị biến chất. Nhiệt độ môi trường bên ngoài không đảm bảo, nguy cơ nhiễm khuẩn càng lớn. Do đó, không nên tiếc một chút nước chấm mà giữ lại để sử dụng.
Với thịt, cá, nếu gắp ra đĩa thừa nhiều, bạn có thể bảo quản đúng cách trong tủ lạnh ngăn mát khoảng 1-2 ngày, tùy cách chế biến. Trường hợp nấu quá nhiều nhưng chưa đụng đũa, có thể để ngăn mát 3 ngày. Còn nếu để bên ngoài, chỉ có thể an toàn trong hai giờ sau khi kết thúc bữa ăn. Sau khoảng thời gian này, thực phẩm dễ bị vi khuẩn xâm nhập.
Với trứng, có thể bảo quản qua đêm trong ngăn mát tủ lạnh, song không khuyến khích. Lý do bởi nhiều người rán hay luộc trứng chọn cách nấu chưa chín kỹ, tái, lòng đào, vi khuẩn tồn tại lâu dài, có thể gây ngộ độc, hại cho dạ dày, đường ruột.
Còn với cơm, nếu được nấu và bảo quản đúng cách có thể để ngoài môi trường khoảng12-24 tiếng, tùy nhiệt độ. Cơm nguội bảo quản trong ngăn mát chỉ nên tối đa trong 24 giờ.
Thịt, cá còn thừa có thể bảo quản ngăn mát đúng cách được khoảng 1-2 ngày. Ảnh: Bùi Thủy
PGS.TS Nguyễn Duy ThịnhViện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội