TS.BS.CK2 Lâm Đức Hoàng, Trưởng Khoa Xạ trị Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, cho biết thủ phạm chính thức của ung thư vòm họng (vòm hầu) chưa được kết luận một cách rõ ràng. Tuy nhiên, theo đa số nghiên cứu, những tác nhân chính gây bệnh là nhiễm EBV trên cơ địa nhạy cảm (yếu tố di truyền, gia đình) cộng hưởng với thói quen, tập quán sinh hoạt, ăn uống và tác động của vấn đề ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, ung thư vòm họng là một trong 10 loại ung thư hàng đầu ở nam giới và thường gặp nhất trong các ung thư đầu cổ.
Epstein-Barr virus (EBV)
EBV là một trong 8 loại virus thuộc nhóm Herpes, một trong những virus phổ biến nhất gây bệnh ở người. Có tới 90% người trưởng thành trên thế giới đã từng bị nhiễm EBV và có kháng thể chống lại loại virus này. EBV là nguyên nhân gây bệnh tăng bạch cầu đơn nhân và là một trong những tác nhân xúc tác gây nên một số bệnh ung thư như vòm họng, u hạt mặt ác, u lympho Hodgkin, lympho Burkitt, ung thư dạ dày...
EBV lây truyền chủ yếu qua đường nước bọt (hôn, dùng chung bàn chải đánh răng, ly uống nước), còn gọi là "bệnh nụ hôn". Chẩn đoán bệnh khó khăn vì triệu chứng tương tự các bệnh khác, chỉ biểu hiện sốt, tăng bạch cầu và có thể kèm nổi hạch cổ, sau đó bệnh tự thuyên giảm. EBV chưa có vaccine phòng ngừa cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Phòng ngừa nhiễm EBV chủ yếu là tránh tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết của người bị nhiễm. Người bị nhiễm EBV riêng lẻ chưa chắc bị ung thư vòm họng. Tuy nhiên, người cơ địa nhạy cảm với virus này có khả năng mắc ung thư vòm hầu rất cao.
TS.BS.CK2 Lâm Đức Hoàng tư vấn cho bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Ảnh: Lê Phương
Yếu tố di truyền
Trước đây, các nhà khoa học thường thấy trong một gia đình có nhiều thành viên cùng huyết thống cùng bị ung thư vòm họng. Các nghiên cứu gần đây ghi nhận ung thư vòm họng có liên quan một phần với yếu tố di truyền, trong đó có liên quan với gene điều hòa miễn dịch HLA nhóm I, gene RAD51L1 sửa chữa DNA, gene MDM2 và TP53 điều hòa chu trình tế bào, gene MMP2 kết dính tế bào...
Khoa học ghi nhận có sự tương tác giữa gene điều hòa miễn dịch HLA nhóm I với EBV. Cụ thể, có sự hiện diện DNA của EBV trong tế bào ung thư biểu mô vòm họng và trong huyết thanh của bệnh nhân. Ngoài ra, yếu tố vùng dịch tễ và dân tộc có xuất độ cao ung thư vòm họng cũng được ghi nhận như vùng Nam Á, Nam Trung Hoa, Đông Nam Á...
Môi trường, tập quán
Dự trữ thực phẩm như thịt, cá bằng cách muối, hong khói hoặc muối dưa các loại rau củ quả... sẽ sản sinh ra chất nitrosamine có thể gây ung thư vòm họng và một số ung thư khác. Sử dụng quá nhiều nhang, trầm hương, đốt vàng mã, tinh dầu thực vật trong không gian kín, chật hẹp cũng góp phần tăng nguy cơ.
Ngoài ra, yếu tố ô nhiễm môi trường làm tăng nguy cơ là phơi nhiễm thuốc hóa chất, tiếp xúc với khói bụi từ động cơ, củi đốt, đám cháy hoặc bụi than, đá, quặng, gỗ.
Lê Phương