Detox không thể tiêu diệt được tế bào ung thư.
Thời gian qua, trên mạng xã hội lan truyền những bí quyết trị bệnh, ngăn ngừa ung thư, thậm chí tiêu diệt ung thư bằng phương pháp detox (thanh lọc, thải độc cơ thể) thu hút sự chú ý của nhiều người. Theo đó, ở phương pháp detox này, người áp dụng sẽ phải thực hiện theo liệu trình 7 ngày không ăn gì, chỉ uống nước sinh tố hoa quả hoặc nước sinh tố hoa quả xay cùng các loại hạt.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, hiện đang là Trưởng khoa Khám và tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẳng định: "Thông tin detox giúp khối u biến mất là không có căn cứ khoa học. Uống nước hoa quả để cung cấp nước, vitamin, khoáng chất cho cơ thể".
Theo khuyến nghị, mọi người chỉ nên uống nước ép hoa quả kết hợp với các bữa ăn trong ngày. Với người khỏe, không có bệnh có thể ăn khoảng 200-300g/hoa quả/ngày. Còn đối với người có bệnh lý lại có những khuyến cáo khác theo từng lứa tuổi và nhóm bệnh.
Bác sĩ Hưng cho hay, nếu uống nhiều nước hoa quả sẽ khiến gan phải tăng cường đào thải đường. Do lượng đường fructose trong hoa quả cũng khá cao và được chuyển hoá phần lớn ở gan.
Trong quá trình khám bệnh, bác sĩ Hưng đã gặp trường hợp bệnh nhân không ăn cơm chỉ ăn đồ luộc vì sợ chất béo. Để có năng lượng, người này ăn tăng hoa quả, chất đạm. Bệnh nhân "sợ chất béo" nhưng lại ăn nhiều loại hạt giàu chất béo.
Có trường hợp tuổi đã cao lại uống rất nhiều nước detox, tập thể dục quá nhiều khiến cho bệnh nhân gặp những hệ luỵ về sức khoẻ phải đi khám.
Theo PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, đường fructose có nhiều trong trái cây. Nhiều người nghĩ ăn nhiều trái cây không làm tăng đường huyết như sử dụng đường cát trắng. Tuy nhiên, fructose vẫn được chuyển hóa thành glucose trong cơ thể, do đó vẫn tác động lên đường huyết và tổng năng lượng nhập vào của cơ thể trong ngày. Fructose được chuyển hóa ở gan và các nghiên cứu cho thấy ăn nhiều fructose dẫn đến tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ.
PGS.TS.BS Đoàn Hữu Nghị, nguyên Giám đốc Bệnh viện E, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Hà Nội, cho hay: "Không có chuyện detox diệt được tế bào ung thư. Hiện nay, rất nhiều người nói vống lên tác dụng của ăn uống có thể chữa khỏi ung thư, chữa bệnh này hay bệnh kia... Dinh dưỡng không quyết định hoàn toàn tới vấn đề bệnh tật".
Cho đến nay, các nhà khoa học cũng chưa có nghiên cứu cụ thể chứng minh tính hiệu quả, khoa học của detox.Điều đáng bàn, các nhà khoa học không tìm thấy chất độc cụ thể nào được thanh lọc mà lại thấy nhiều chất chuyển hóa độc được sản sinh trong chế độ ăn kiêng, detox…
Theo Phó Chủ tịch Hội Ung thư Hà Nội, ung thư là sự bất thường của tế bào cho nên một chế độ ăn hay một loại nước không thể làm chết được tế bào ung thư trong cơ thể. Khi có vấn đề bệnh lý, người dân nên đi khám chuyên khoa để bác sĩ tư vấn cách điều trị đúng để không bỏ lỡ giai đoạn "vàng" điều trị bệnh.
Theo các chuyên gia, một chế độ ăn không cân đối dù thực hiện kéo dài hay ngắt quãng đều gây ra những vấn đề cho sức khoẻ. Để có một sức khoẻ tốt, phòng ngừa bệnh tật, chuyên gia khuyên nên ăn đa dạng hợp lý (đủ về chất và lượng); tăng cường các hoạt động thể lực. Đối với người có bệnh lý, cần điều trị ổn định bệnh và cần tư vấn bác sĩ dinh dưỡng để có một chế ăn hợp lý cho sức khỏe sau điều trị.