ca-u-chua-1679294038952796299826-0-58-330-586-crop-16792941785071787412345.jpgĂn cá chép muối ủ chua nhất định không được bỏ qua thao tác này để phòng tránh ngộ độc

GĐXH - Sau hàng loạt bệnh nhân nhập viện vì ăn cá chép muối ủ chua, các chuyên gia khuyến cáo người dân tốt nhất không nên ăn trực tiếp và hướng dẫn cách đề phòng ngộ độc botulinum.

Theo đánh giá của cơ sở hiện sức khỏe của một bệnh nhân ngộ độc sau ăn cá chép muối ủ chua vẫn còn nặng, tiên lượng dè dặt.

ngo20doc20ca20chep-1679318070531-1679318071266306474206.jpeg

Bệnh nhân bị ngộ độc đang được điều trị tại cơ sở

Cụ thể, trường hợp thứ nhất là bệnh nhân H.V.Đ., 57 tuổi, đến nay người bệnh lơ mơ, vẫn còn phải dùng thuốc an thần, nhiệt độ cao, vẫn thở máy, cơ lực 2 bên cải thiện hơn, sức cơ 3/5, tiên lượng dè dặt. Đây là bệnh nhân bị ngộ độc nặng nhất hiện tại.

Trường hợp thứ hai, bệnh nhân H.V.Đ., 27 tuổi, đã tỉnh, tiếp xúc được, đã ngưng dùng thuốc an thần, mạch và huyết áp, nhiệt độ đều ổn định, tiên lượng khá. Đây là bệnh nhân bị ngộ độc nặng có cải thiện tốt sau truyền thuốc giải độc, có khả năng khởi động cai máy thở trong 1-2 ngày tới.

Trường hợp thứ 3 là bà H.T.T., 37 tuổi, hiện đã tỉnh, tiếp xúc được, đã ngưng an thần, mạch và huyết áp, nhiệt độ đều trong mức bình thường.

Bệnh nhân cũng đã được rút ống nội khí quản, ngưng thở máy, hiện còn thở oxy qua mask. Người bệnh cũng nuốt được, mở miệng 5cm, tiên lượng khá. Đây là bệnh nhân hồi phục tốt, hiện vẫn đang được theo dõi sát hô hấp sau khi rút ống nội khí quản.

Ngoài ra, 2 bệnh nhân khác trong chùm ca bệnh ở xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam bị ngộ độc mức độ nhẹ, tỉnh, sinh hiệu ổn, có thể cải thiện không cần dùng thuốc giải. Đến nay cả 2 người đều có tiến triển tốt, ổn định, hiện sức cơ bình thường, ngưng oxy, ăn qua miệng.

Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được đề nghị hỗ trợ chuyên môn cho các ca bệnh ngộ độc món cá chép muối ủ chua đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi Bắc Quảng Nam, trong đó một người đã tử vong.

Kết quả kiểm nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang cho thấy mẫu thức ăn này dương tính với Clostridium Botulinum type E. Được biết, món cá chép muối ủ chua là thức ăn truyền thống của người dân địa phương này.

Liên quan tới vụ việc, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cơ quan nông nghiệp tỉnh Quảng Nam vào cuộc phối hợp với ngành y tế điều tra vụ tử vong do ăn cá chép muối ủ chua. Kết quả báo cáo về bộ trước ngày 23/3.

Về thói quen chế biến thực phẩm của người Việt với các món muối chua, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, độc tố này được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường kỵ khí (môi trường thiếu không khí).

Chính vì thế, không chỉ món cá chép ủ chua mà các thực phẩm ủ chua nếu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cụ thể là khâu thanh trùng sẽ dễ dẫn tới tình trạng vi khuẩn kị khí xâm nhập.

PGS. Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, mặc dù chép muối chua thường được ủ thính, sau đó cá lên men sẽ chín thịt, lúc này có thể ăn bình thường, nhưng khi chế biến, chỉ cần một chút không cẩn thận, cá rất dễ nhiễm vi khuẩn.

“Chưa kể, cá sống dưới nước vốn đã dễ nhiễm vi khuẩn hơn bình thường, khi bắt lên chế biến, chỉ cần không cẩn thận một chút là vi khuẩn như Clostridium Botulinum có thể xâm nhập gây độc”, chuyên gia cho hay.

Được biết, vi khuẩn Clostridium Botulinum khi xâm nhập vào thịt cá không gây ra mùi hôi thối khó chịu, cũng không gây biến đổi màu, bề mặt thực phẩm thường nhớt.

Tuy nhiên, do cá cũng thường nhớt sẵn nên người dùng không thể nhận biết, cứ thế ăn. Nếu ăn với nồng độ mạnh có thể gây chết người ngay lập tức.

Cũng về ngộ độc Botulinum, cuối năm 2020 đầu năm 2021 xảy ra một vụ ngộ độc trên quy mô lớn do sử dụng pate Minh Chay.

TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nguyên nhân của loại ngộ độc này là xuất phát từ việc sản xuất các sản phẩm thực phẩm ở dạng đóng gói kín (chai, lọ, lon, hộp, túi) không đảm bảo an toàn dẫn tới có mặt một số loại vi khuẩn phát triển và sinh độc tố gây bệnh.

Trong đó, vi khuẩn thủ phạm phổ biến là vi khuẩn Clostridium Botulinum, còn gọi là vi khuẩn độc thịt (vì ban đầu xảy ra chủ yếu với thịt hộp).

Theo TS. Nguyễn Trung Nguyên, độc tố Botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh, tuy nhiên, nhanh chóng bị phá hủy khi nấu chín (do đó ngộ độc không xảy ra khi ăn thực phẩm mới nấu chín). Sau khi ăn, độc tố Botulinum được hấp thu vào cơ thể, gắn chặt vào vào các dây thần kinh, gây liệt toàn bộ các cơ.

Biểu hiện của ngộ độc, sau khi ăn thường khoảng 12-36 giờ (có thể tới 1 tuần sau ăn), bệnh nhân biểu hiện liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ (khó nuốt, đau họng, khó nói, khàn giọng, mắt không mở được, lan xuống hai tay (yếu tay). Sau đó, tới hai chân (yếu chân), liệt các cơ hô hấp (khò khè, ứ đọng đờm rãi ở họng, khó thở).

Đặc biệt, bệnh nhân không có rối loạn cảm giác và bệnh nhân vẫn tỉnh táo (do độc tố không tác động lên não). Tiêu hóa có thể gặp buồn nôn, nôn, đau bụng, giảm nhu động ruột. Liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân tử vong.

Trường hợp liệt hoàn toàn, nhiều bệnh nhân có giãn đồng tử, nên giống như hôn mê sâu, mất não mặc dù vẫn tỉnh và biết xung quanh (với điều kiện được cấp cứu, hồi sức hô hấp và không bị thiếu ô xy não). Trường hợp nhẹ có thể chỉ yếu mỏi các cơ giống như suy nhược, không thực hiện được các động tác gắng sức.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022