Văn bản do ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông, lâm và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ký, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Quảng Nam: chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ngành y tế điều tra nguyên nhân và tổ chức việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc phạm vi được phân công quản lý.

Đồng thời, tham mưu cho UBND các cấp tổ chức thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố an toàn thực phẩm theo thẩm quyền quy định tại Khoản 3, Điều 53 Luật An toàn thực phẩm.

ca-chep-muoi-chua-16793009216901542801315-1679311210423-16793112105231386720723.jpg

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy mang thuốc giải đến cứu người ngộ độc. Ảnh: N.Thạnh

Văn bản đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và cảnh báo về nguy cơ an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý; phổ biến, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm truyền thống, trong đó có sản phẩm cá chép muối ủ chua; thực hiện các chỉ đạo về tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2023 đã được triển khai.

Văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam báo cáo tình hình và kết quả thực hiện xử lý sự cố an toàn thực phẩm vụ ngộ độc cá chép muối ủ chua về Cục trước ngày 23-3. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc địa phương có thể thông tin về Cục để phối hợp cùng xử lý.

Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, từ ngày 6 đến ngày 16-3 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại huyện Phước Sơn, khiến 10 người nhập viện. Trong đó, 1 người tử vong, 3 người nguy kịch, phải thở máy. Cập nhật đến tối 19-3, 3 bệnh nhân này đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), có người tiến triển tốt nhưng có người vẫn còn nguy kịch.

Những người bị ngộ độc trong cả 2 vụ đều là đồng bào dân tộc Giẻ Triêng. Món ăn nghi ngờ là cá chép muối ủ chua. Đây là món ăn truyền thống của người dân địa phương, do gia đình tự chế biến từ cá chép, muối, cơm hoặc bột bắp, ớt…, sau đó ủ trong lọ kín khoảng 1 tuần.

Trong vấn đề xử lý sự cố về mất an toàn thực phẩm, ngoài cứu người, truy tìm nguyên nhân gây ngộ độc để xử lý vụ việc cụ thể thì việc tìm ra nguyên nhân để tìm cách khắc phục lỗi, tránh lặp lại sự cố trong tương lai cũng quan trọng không kém.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022