Theo bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết hiện trang thiết bị, nguồn nhân lực để thực hiện cấp cứu hàng không đều đã sẵn sàng. Sau khánh thành, bệnh viện sẽ làm việc với đơn vị hàng không để bàn việc triển khai đường bay, hoàn thiện về mặt pháp lý, sớm đưa sân trực thăng vào hoạt động.

"Trước đây bệnh viện chưa có điều kiện, các tòa nhà sẵn có cũng chưa có bãi đáp nên chưa triển khai được cấp cứu đường hàng không. Các tòa nhà xây sau này của bệnh viện đều sẽ nghiên cứu ứng dụng dịch vụ trực thăng", bác sĩ Sóng nói.

Như vậy, 115 là một trong số ít bệnh viện tại TP HCM hiện nay có sân trực thăng, cùng với Bệnh viện Quân y 175 (Gò Vấp), Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Bình Chánh), Bệnh viện Tim Tâm Đức (quận 7). Trong đó, sân bay trực thăng tại Bệnh viện Quân y 175 được sử dụng thường xuyên nhất, chủ yếu đưa bệnh nhân từ Trường Sa về đất liền điều trị. Ngành y tế thành phố đang thực hiện kế hoạch xây dựng các bệnh viện lớn ở những cửa ngõ TP HCM đều có sân bay trực thăng, hướng đến tương lai phát triển dịch vụ cấp cứu đường hàng không.

Bác sĩ Sóng đánh giá cấp cứu bằng trực thăng sẽ mang lại cơ hội cho người bệnh ở xa, cần cấp cứu khẩn và tối ưu hóa trong giờ vàng để cứu tính mạng như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, đa chấn thương...

san-truc-thang-bv-115-8803-1676452836.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bPI3Dry-GGtkH_mgLbgDLw

Sân đáp trực thăng trên nóc tòa nhà Khu Chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao, Bệnh viện 115. Ảnh: Xử lý từ video

115 là bệnh viện đa khoa hạng 1, tuyến cuối tại TP HCM, có 1.600 giường bệnh. Hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trên 3.000 bệnh nhân ngoại trú, gần 2.000 nội trú, chuyên sâu đột quỵ, tim mạch, ung bướu, ghép tạng... Trong đó, số bệnh nhân đột quỵ tại đây tăng cao liên tục. Năm 2007, bệnh viện điều trị 1.427 bệnh nhân đột quỵ, năm 2020 con số tăng lên hơn 16.000. Một năm sau, do ảnh hưởng của dịch Covid, số bệnh nhân giảm còn hơn 10.000, song khi tình hình dịch bệnh ổn định bệnh nhân nhanh chóng tăng hơn 14.000 (năm 2022).

Bệnh viện dự đoán số bệnh nhân đột quỵ sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, trở lại như xu hướng trước dịch. Do đó, Khu Chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao hoạt động sẽ giảm được tình trạng quá tải tại bệnh viện. Chưa kể, theo bác sĩ Sóng, nơi đây sẽ là Tòa nhà công nghệ 4.0, triển khai các kỹ thuật cao gồm y sinh học phân tử, chẩn đoán sớm và điều trị các bệnh lý đột quỵ, thần kinh, tim mạch, ung thư; các dịch vụ y tế hàng không và là nơi đào tạo, tổ chức hội nghị trong và ngoài nước.

TS. Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết bệnh viện là một trong những cơ sở y tế đi đầu trong đề án xây dựng TP HCM thành trung tâm y tế chuyên sâu của Đông Nam Á, trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho thành phố và cả nước.

"Khu Chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao hoạt động là khởi đầu cho đề án phát triển chuyên sâu này", ông Báu nói. Tòa nhà Khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Nhân dân 115 được khởi công từ năm 2016, tổng diện tích sàn nhà gần 20.000 m2.

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022