Dữ liệu ung thư tại Việt Nam cũng như thế giới được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (Globocan) khảo sát và ghi nhận hàng năm, công bố gối đầu. Số liệu mới nhất là Globocan 2022 được công bố vào năm 2023. Năm 2024 chưa có dữ liệu ung thư 2023.

Theo dữ liệu này, năm 2000 Việt Nam ghi nhận hơn 68.000 ca mắc mới ung thư. Số ca tăng dần qua từng năm, đến 2022 vượt 182.000 ca, tức tăng gấp 2,6 lần trong 22 năm.

Globocan 2022 cũng ghi nhận năm này có hơn 122.000 người ở Việt Nam tử vong do ung thư, thuộc nhóm nước tử vong do ung thư cao trên thế giới trong khi tỷ lệ mắc mới ở mức trung bình. Tỷ suất mắc mới ở Việt Nam đứng thứ 91 trong số 185 nước, song tỷ suất tử vong đứng vị trí 50 và ngày càng tăng trên bảng xếp hạng toàn cầu. Nguyên nhân được cho là nhiều người phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn nên tử vong.

5 loại ung thư đang dẫn đầu là vú, gan, phổi, dạ dày và trực tràng. Trừ ung thư vú có thể phát hiện sớm với tỷ lệ chữa khỏi hơn 90%, 4 ung thư còn lại trong số này đều rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là ung thư gan, phổi. Đây là sự khác biệt về loại hình ung thư tại Việt Nam so với châu Âu (nơi ung thư da chiếm đa số và ít nguy hiểm).

Trước đây ở Việt Nam ung thư tử cung nhiều nhất mới đến gan, phổi, vú, dạ dày. Theo giới tính, ở đàn ông, ung thư gan dẫn đầu về số ca mắc mới, tiếp đó là ung thư phổi, dạ dày, đại trực tràng, tuyến tiền liệt. Ở phụ nữ, 5 loại có số mắc cao nhất là ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan.

"Những dữ liệu trên cho thấy mô hình bệnh ung thư ở Việt Nam thay đổi so với 20 năm trước", GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng, nguyên chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nhận định.

Để đưa ra nhận định này, ông Hùng đánh giá số ca ung thư tăng là do nhiều yếu tố như già hóa dân số, tuổi thọ tăng, môi trường sống thay đổi, ô nhiễm không khí, nước. Tuổi càng cao, thời gian tích tụ và phơi nhiễm các yếu tố nguy cơ càng nhiều thì tỷ lệ mắc bệnh càng cao.

Các thói quen như rượu bia, thuốc lá, ăn uống, sinh hoạt không điều độ là tác nhân gây ung thư. Chẳng hạn, khẩu phần ăn ít rau quả, quá nhiều đạm mỡ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng và nhiều ung thư khác. Tiêu thụ nhiều dưa muối chứa nitrat, nitrit dễ gây ung thư thực quản, dạ dày. Ăn thực phẩm mốc chứa aflatoxin gây ung thư gan.

Cùng quan điểm này, bác sĩ Lâm Trung Hiếu, Chủ nhiệm Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Viện Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Quân y 175, thêm nguyên nhân nữa là y học ngày càng phát triển, nhiều phương tiện chẩn đoán, phát hiện ung thư sớm. Người dân có điều kiện tiếp cận khám sàng lọc ung thư nên nhiều người được phát hiện bệnh. Chưa kể, nhờ các phương pháp điều trị ngày càng tiến bộ, bệnh nhân có thời gian sống ngày càng tăng, lượt tái khám ung thư nhiều lên.

"Lượt khám tăng không có nghĩa lượng bệnh nhân mắc mới tăng, mà còn bao gồm cả số bệnh nhân cũ sống được nhiều năm sau điều trị và duy trì tái khám định kỳ", bác sĩ Hiếu nói rõ.

Những nguyên nhân trên đã tác động đến sự thay đổi của nhiều bệnh ung thư vốn nhiều năm nay phổ biến ở Việt Nam. Ví dụ, trước đây ung thư cổ tử cung dẫn đầu, hiện xuống thứ 11 về số ca mắc mới. Điều này là nhờ ngày càng nhiều phụ nữ chủ động khám, tầm soát, phát hiện và điều trị khỏi từ giai đoạn tổn thương tiền ung thư, không để tiến triển thành ung thư. Bên cạnh đó, nhiều người tiêm vaccine ngừa ung thư cổ tử cung những năm qua, góp phần kéo giảm tỷ lệ bệnh.

Từ năm 2018 đến nay, số người mắc ung thư gan vượt qua ung thư phổi, xếp thứ nhất ở cả số mắc mới lẫn tỷ lệ tử vong tại Việt Nam. Đây là hai loại có tiên lượng xấu, thời gian sống thấp, cũng là lý do tỷ suất tử vong do ung thư ở nước ta thuộc nhóm cao toàn cầu.

Việt Nam cũng trong nhóm nước có tỷ lệ người bị ung thư gan cao nhất. Giáo sư Hùng lý giải số ca ung thư gan ở đàn ông cao hơn phụ nữ do đàn ông tiêu thụ nhiều rượu bia, thuốc lá. Ở cả hai giới đều có nhiều người nhiễm virus viêm gan, song đàn ông "nhiều thói hư tật xấu" nên dễ tiến triển thành ung thư gan hơn so với phụ nữ.

Ở phụ nữ, ung thư vú vẫn chiếm tỷ lệ cao, thậm chí tăng nhẹ vì ngày càng nhiều phụ nữ không lập gia đình, không sinh con, sinh ít con, không cho con bú - những yếu tố nguy cơ ung thư vú. Bên cạnh đó, nếp sống dư dả dẫn đến thừa cân béo phì, ít vận động cũng làm tăng nguy cơ. Điều đáng mừng là các phương pháp chẩn đoán, điều trị ung thư vú ngày càng tiến bộ, giúp phát hiện sớm, điều trị khỏi bệnh.

Ung thư giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể mổ bảo tồn vú, hoặc đoạn nhũ sẽ dễ dàng tạo hình ngực mới. Ngày càng nhiều loại thuốc điều trị bệnh hiệu quả cao, như thuốc hóa trị, thuốc nội tiết, các liệu pháp nhắm trúng đích... Những điều kiện này giúp ung thư vú hiện nay có tỷ lệ chữa khỏi cao hàng đầu trong các loại ung thư.

233A2582-5347-1718184790.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Qk6riMHv8l91GzZhxVB66w

Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2, TP Thủ Đức, ngày 10/6. Ảnh: Quỳnh Trần

Trong bối cảnh số ca mắc tăng, nhiều bệnh viện Việt Nam tổ chức chuyên khoa ung thư để điều trị bệnh nhân. Bệnh viện tổ chức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mạng lưới phòng chống ung thư với các bệnh viện và địa phương khác để thu hẹp khoảng cách tiếp cận dịch vụ chẩn đoán, chất lượng điều trị. Nhờ vậy, các bệnh viện tuyến đầu được giảm tải, người dân được hưởng các dịch vụ y tế, chuyên môn cao ngay tại địa phương.

Nghiên cứu gần đây ghi nhận một số bệnh lý ung thư đã được phát hiện sớm và kết quả điều trị tốt nhờ những tiến bộ y khoa. Mặt khác, bảo hiểm y tế cũng góp phần quan trọng trong phát triển các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị, chăm sóc người bệnh ung thư.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân nâng cao ý thức phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, bỏ thuốc lá, giảm rượu bia, tập luyện thể dục đều đặn... Tiêm vaccine phòng bệnh. Khám sức khỏe định kỳ hàng năm và đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường. Chủ động tầm soát ung thư sớm theo khuyến cáo về nhóm tuổi và nhóm nguy cơ.

"Tham gia bảo hiểm y tế bởi đây là cứu cánh nếu không may mắc bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư", giáo sư Hùng khuyên, thêm rằng điều trị ung thư là quá trình lâu dài, cá nhân hóa, nên chi phí thường rất lớn.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022