Từng là diễn viên hài, Bắc Hải hiện có cuộc sống chật vật, thiếu thốn đủ thứ và có nhiều lần bị dồn tới bước đường cùng.
Mới đây, trên trang cá nhân của mình, nam nghệ sĩ Quách Ngọc Tuyên đã thông báo về sự ra đi của diễn viên Hồng Hải - người từng góp mặt trong web drama Vi Cá Tiền Truyện - Cá Con Vượt Biển Lớn khiến bạn bè, đồng nghiệp bàng hoàng và xót xa.
Quách Ngọc Tuyên viết: "Tạm biệt 33 trong Vi Cá Tiền Truyện của anh, nhận được tin em thật sự anh rất bất ngờ, mọi thứ nó nhanh quá. Yên nghỉ em nhé. Một cậu em vẻ ngoài bặm trợn nhưng thật ra sống rất tình cảm, cư xử lễ phép, trọng tình nghĩa, thương yêu vợ con. Cầu chúc vợ và hai con em luôn mạnh khỏe, bình an".
Diễn viên Hồng Hải qua đởi ở tuổi 31
Chia sẻ với phóng viên VNN, chị Lê Thị Bé Ngoan, 31 tuổi cho biết quá sốc trước sự ra đi của chồng - diễn viên Hồng Hải dù đã chuẩn bị tâm lý.
Ba tuần trước, Hồng Hải bị đau bụng dữ dội, cộng thêm bị vàng da nên đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Nhân Dân 115 và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Kết quả chẩn đoán gồm xơ gan giai đoạn cuối và viêm tá tràng khiến Hồng Hải bàng hoàng. Trước đó, anh từng nhiều lần bị đau bụng nhưng chủ quan, cho là cơn đau thông thường nên chỉ ra tiệm mua thuốc uống qua loa.
Là huấn luyện viên thể hình, Hồng Hải có ý thức chăm sóc sức khỏe bản thân. Dù vậy, theo bà xã, anh hút thuốc nhiều, thỉnh thoảng nhậu, sau mỗi lần ép cân thi đấu đều ít nhiều bị ảnh hưởng sức khỏe. Từ lúc phát hiện bệnh đến lúc anh qua đời rất nhanh.
Trước khi là diễn viên, Hồng Hải còn là VĐV, HLV thể hình và võ thuật, có hơn 20 năm theo đuổi 2 bộ môn, 10 năm theo đuổi sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp. Anh từng đoạt nhiều giải thưởng như: 2 HCV hạng mục bán chuyên và chuyên nghiệp tại giải đấu Men's physique G.O.T - God Of Tournament 2022; HCV tại Đại hội Võ thuật Vovinam 2022; HCV tại Giải Vô địch Thể hình Quốc tế P.C.A Việt Nam 2022.
Căn bệnh xơ gan diễn viên Hồng Hải mắc nguy hiểm thế nào?
Xơ gan là giai đoạn muộn của quá trình xơ hóa (tạo sẹo) ở gan do nhiều tác nhân khác nhau gây ra, chẳng hạn như viêm gan virus và nghiện rượu mãn tính. Gan sẽ cố gắng tự phục hồi sau mỗi lần bị tổn thương. Quá trình phục hồi này sẽ hình thành các mô sẹo, tổn thương càng kéo dài, càng nhiều mô sẹo được hình thành.
Sự xơ hóa làm cản trở hoạt động bình thường của gan. Mô sẹo ngăn chặn dòng chảy của máu qua gan và làm chậm quá trình xử lý các chất dinh dưỡng, hormone, thuốc và chất độc tại gan. Nó cũng làm giảm sản xuất protein và các chất khác do gan tạo ra. Xơ gan giai đoạn cuối có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ảnh minh họa.
Nguyên nhân gây bệnh xơ gan
Các nguyên nhân phổ biến của bệnh xơ gan thường bao gồm lạm dụng rượu bia lâu năm, viêm gan virus B hoặc C mãn tính, viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, Hemochromatosis (một tình trạng khiến sắt tích tụ quá mức trong gan), bệnh Wison (một tình trạng tích tụ đồng quá mức).
Bệnh xơ gan có lây nhiễm không?
Theo các chuyên gia y tế, bệnh xơ gan có lây hay không sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nguyên nhân gây bệnh xơ gan được chia thành hai nhóm:
Nhóm không lây nhiễm
Nhóm không lây nhiễm là nhóm bị xơ gan do thói quen lạm dụng rượu, bia, thuốc lá, các chất độc hại, các bệnh lý về tim mạch, các bệnh lý về chuyển hóa như ứ sắt, ứ đồng, viêm gan tự miễn, tăng áp tĩnh mạch cửa ,…
Nhóm lây nhiễm
Nhóm lấy nhiễm thường là do các vi sinh vật như virus (viêm gan B, viêm gan C), ký sinh trùng… Tại Việt Nam, virus viêm gan mạn tính hiện đang chiếm tỷ lệ cao nhất về nguyên nhân gây xơ gan. Cần lưu ý rằng, người khỏe mạnh không phải bị lây nhiễm xơ gan từ người bệnh mà họ sẽ bị lây nhiễm virus viêm gan ở những người đó trong trường hợp nồng độ siêu vi ở còn cao, diễn tiến bệnh sau đó sẽ trải qua giai đoạn viêm gan mạn rồi đến bệnh cảnh xơ gan.
6 biến chứng đáng sợ của bệnh xơ gan
Xuất huyết tiêu hóa
Khi bị xơ gan, các chất xơ trong gan cản trở dòng máu di chuyển qua gan khiến áp lực tại tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch tại các hệ nối cửa - chủ tăng lên. Đồng thời gây ra tình trạng giãn tĩnh mạch thực quản và tĩnh mạch phình dạ dày. Các tĩnh mạch này bị giãn đến một giới hạn nhất định sẽ bị vỡ dẫn đến xuất huyết tiêu hóa. Người bệnh sẽ nôn ra máu hoặc đi cầu ra máu, việc mất nhiều máu khiến bệnh nhân bị choáng váng, người lao đao, thiếu máu cấp tính. Nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Phù chân, báng bụng
Việc tăng áp lực cửa và giảm đạm máu gây nên tình trạng phù chân và tích tụ dịch ở bụng, gọi là báng bụng. Báng bụng quá lâu, dịch tích tụ nhiều có thể bị nhiễm trùng dịch báng. Người bệnh sẽ bị sốt, đau bụng dữ dội, đi cầu ra phân lỏng. Khi thấy các dấu hiệu này, người bệnh cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Hôn mê gan, bệnh não gan
Xơ gan khiến chức năng hoạt động của gan bị ảnh hưởng, gan không thể đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể, đặc biệt là xơ gan nặng. Người bị xơ gan nặng còn có các độc tố có hại ở ruột như khí ammoniac (NH3)... các khí này không được đẩy ra ngoài nên đi vào trong máu, theo máu lên não và tích tụ tại đây gây ra bệnh não - gan.
Triệu chứng của bệnh não - gan là rối loạn tri giác, người bệnh bị lẫn lộn, không minh mẫn rồi hôn mê gan và có thể tử vong rất nhanh. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh não - gan là xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng, mất nước, táo bón...
Gây suy thận
Người bị suy thận do biến chứng xơ gan sẽ đi tiểu ít dần và lâu ngày không thể đi tiểu được nữa. Đây gọi là hội chứng gan - thận. Nếu không được can thiệp sớm, bệnh có thể dẫn tới tử vong.
Tình trạng nhiễm trùng
Gan không thể đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể, khả năng miễn dịch của cơ thể cũng bị ảnh hưởng, do đó người bị xơ gan rất dễ bị nhiễm trùng như: nhiễm trùng dịch báng, nhiễm trùng máu, viêm phổi...
Ung thư gan
Người bị xơ gan có nguy cơ bị ung thư gan rất cao. Ung thư gan giai đoạn đầu không có biểu hiện cụ thể. Nhiều người bệnh chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc siêu âm ổ bụng. Ở giai đoạn nặng hơn, khối u trong gan sẽ gây đau tức vùng dưới sườn phải, người bệnh bị sụt cân nhanh chóng, người mệt mỏi, kiệt sức, thậm chí là xuất huyết ổ bụng do khối u bị vỡ.
Ảnh minh họa
Người bệnh xơ gan cần được chăm sóc thế nào?
Ở người bệnh xơ gan giai đoạn muộn, phù hai chân ngày càng nhiều do chức năng tổng hợp protein giảm dẫn đến lượng protein máu giảm làm cho nước thoát ra ngoài tế bào gây phù, đi lại nặng nề, ăn uống kém. Do đó, cần cho người bệnh nằm kê chân cao hơn so với tim vì ở tư thế này sẽ góp phần cải thiện tình trạng phù và hàng ngày cần vệ sinh mũi miệng sạch sẽ, đặc biệt là khi có chảy máu cam, chảy máu chân răng, để đề phòng nhiễm trùng răng, miệng và tạo cho người bệnh cảm giác ngon miệng. Ngoài ra, vì người bệnh rất mệt mỏi cho nên cần tạo không gian thoáng mát, yên tĩnh, hạn chế người ra vào thăm hỏi nhiều.
Bên cạnh đó, cần theo dõi cân nặng của người bệnh hàng tuần để kiểm tra tình trạng phù và cổ trướng của người bệnh có giảm hay không. Ở những người bệnh nặng, cổ trướng quá nhiều sẽ gây khó thở cho người bệnh khi đó cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để rút nước trong ổ bụng ra ngoài, giúp người bệnh dễ chịu hơn.
Chế độ ăn cho người bệnh xơ gan
Bệnh nhân bị xơ gan cần ăn những thức ăn đảm bảo đầy đủ từ 2.500 - 3.000cal mỗi ngày, với thành phần thức ăn phù hợp, đầy đủ các chất gồm chất đạm như: thịt, cá, trứng, sữa…, giàu glucid như khoai, ngũ cốc… và nên dùng dầu thực vật.
Tránh dùng mỡ động vật, tránh dùng thực phẩm lạ, thực phẩm dễ gây dị ứng, dễ gây rối loạn tiêu hóa, thức ăn cần phải nấu chín, đảm bảo vệ sinh, hợp khẩu vị. Các món ăn nên thay đổi để gan không phải làm việc quá sức, thức ăn được hấp thu tốt hơn, tránh rối loạn tiêu hóa, tốt nhất nên chia nhỏ khẩu phần ăn, cho người bệnh ăn 4 - 5 bữa một ngày và bổ sung vitamin bằng các loại nước hoa quả ép và trái cây.
Cần hạn chế muối và nên ăn lạt hoàn toàn khi có phù và bụng to nhiều vì khi ăn muối nhiều, sẽ gây tích nước trong tế bào, càng làm cho tình trạng phù tăng lên. Khi bị phù phải dùng một số thuốc lợi tiểu sẽ làm mất kali làm cho người bệnh mệt mỏi hơn cho nên người bệnh cần ăn thêm thực phẩm giàu kali để bổ sung lượng kali đã mất. Tuy nhiên, người bệnh xơ gan ở giai đoạn muộn thì cần phải hạn chế thực phẩm giàu đạm, đề phòng hôn mê gan.
Cách phòng bệnh xơ gan
Để phòng bệnh xơ gan, cần chủ động bảo vệ gan của mình bằng các cách sau:
- Tiêm phòng vắcxin viêm gan B cho trẻ em và những người lớn chưa bị bệnh.
- Có lối sống lành mạnh, không lạm dụng rượu bia.
- Tránh ăn thức ăn sống, nên ăn chín uống chín để không bị nhiễm ký sinh trùng.
- Sử dụng thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm để phòng ngừa nhiễm hóa chất, phẩm màu độc hại gây tổn hại gan.
- Không dùng thuốc làm ảnh hưởng gan.
- Đối với những người đã bị viêm gan B hoặc C mạn tính cần theo dõi định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng một lần để phát hiện và điều trị sớm những trường hợp viêm gan tiến triển, nhằm hạn chế các biến chứng nặng như xơ gan và ung thư gan.
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý gây viêm gan do các nguyên nhân khác như suy tim, tắc mật…
GĐXH - Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân có chỉ số vàng da tăng cao (bilirubin lên đến 322 micromol/lít, trong khi đó chỉ số bình thường là dưới 17). Siêu âm thận có nhiều sỏi.
Bác sĩ cảnh báo thói quen 'tẩm bổ' nhiều người tưởng tốt cho sức khỏe nhưng lại có thể 'bào mòn' cơ thể trong âm thầm.
GĐXH – Bệnh nhân cho biết, bản thân có sở thích ăn rau sống, đặc biệt là rau muống được trồng dưới ao, hồ và rau ngổ sống.