Trả lời:
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khỏe răng miệng gồm tình trạng răng, miệng và cấu trúc vùng mặt phục vụ nhu cầu thiết yếu như hô hấp, ăn uống, giao tiếp. Khi hàm răng bị khớp cắn hô, ngược, chéo..., ngoài vấn đề thẩm mỹ, răng sẽ không khỏe mạnh, ảnh hưởng khớp thái dương hàm và khả năng ăn nhai.
Chỉnh nha là phương pháp điều trị giúp gốc răng bền vững, đồng thời đem lại diện mạo, tự tin cho trẻ. Hiện nay, niềng răng hiện không giới hạn độ tuổi. Tuy nhiên, khi răng và cấu trúc xương hàm đã hoàn toàn ổn định, thời gian thực hiện chỉnh nha sẽ kéo dài hơn. Một số trường hợp có thể phải nhổ răng, phẫu thuật, đeo hàm duy trì suốt đời, dẫn tới chi phí và rủi ro đều cao hơn.
Chỉnh nha sớm (khi trẻ học tiểu học) thì xương hàm còn "mềm" nên việc chỉnh hàm, đưa răng về đúng vị trí khớp cắn dễ dàng hơn; tạo hình khuôn mặt cân đối, tránh phải nhổ răng và các cuộc phẫu thuật không đáng có khi niềng răng muộn. Chỉnh nha sớm còn giúp trẻ tự tin, tạo thói quen chăm sóc răng miệng, loại bỏ những tật xấu như mút ngón tay, đẩy lưỡi,... Ngoài ra, nó còn rút ngắn thời gian và chi phí điều trị.
Dấu hiệu nhận biết sớm để đưa con đến gặp bác sĩ chỉnh nha kịp thời gồm: Trẻ thay những chiếc răng sữa đầu tiên mà gặp vấn đề về khớp cắn (răng hô, răng móm, khấp khểnh); trẻ có tật mút môi dưới (có hai màu môi, phía trong màu đỏ hồng và ướt, phía ngoài màu lợt và khô), mút ngón tay. Đặc biệt, trẻ bị viêm đường hô hấp tái diễn nhiều lần, há miệng khi ngủ.
Không phải 100% trẻ đều phải chỉnh nha sớm. Việc can thiệp cũng được cá thể hóa. Có rất nhiều phương pháp chỉnh nha khác nhau như mắc cài, máng, khay, hoặc sử dụng niềng răng. Tuy nhiên, mỗi phương pháp sẽ có điểm phù hợp với tình trạng răng cũng như điều kiện tài chính của từng người.
Bác sĩ Giang hướng dẫn cho trẻ cách chăm sóc răng miệng tại nhà sau chỉnh nha. Ảnh: Hà Trần
Phương pháp niềng răng nào cũng đòi hỏi bác sĩ phải am tường về sự phát triển và tăng trưởng của hệ thống sọ mặt, các kiểu sai lệch về hình thái của răng và xương hàm. Bác sĩ chỉnh nha phải có đủ chuyên môn về chỉnh nha thẩm mỹ để lên phác đồ phù hợp, kiểm soát kết quả và chịu trách nhiệm trong toàn bộ quá trình điều trị.
Quá trình chăm sóc răng và lộ trình niềng răng cũng vô cùng quan trọng. Đặc biệt, khi chỉnh nha cần để ý tới bàn chải đánh răng chuyên dụng, chế độ ăn uống. Loại bỏ những thói quen xấu cũng giúp quá trình niềng răng suôn sẻ hơn.
Hiện nay, nhiều cha mẹ phát hiện răng con chen chúc, hô, móm, đưa đến bác sĩ nha khoa để tư vấn, nhưng lại gặp vô số những cản trở khiến họ trì hoãn việc chỉnh nha cho con. Nhiều cha mẹ có quan điểm "đợi trẻ thay hết răng sữa mới niềng", hoặc lo lắng con phải nhổ răng, con không hợp tác, sút cân ảnh hưởng sự phát triển thể chất hay quá trình học tập. Vì thế, nhiều người chần chừ không chỉnh nha cho con kịp thời, chỉ đến khi trẻ trưởng thành, tự nhận ra sự "xấu" thì đã muộn.
Trong trường hợp này, cha mẹ cần nghiêm túc hiểu sự cần thiết của chỉnh nha sớm và buộc trẻ phải tuân thủ. Không ít cha mẹ vô tình đánh mất sự tự tin và nhiều cơ hội tốt của con cũng chỉ bởi sở hữu hàm răng lệch lạc, trong khi giao diện đẹp, thần thái tốt, nụ cười thân thiện, tỏa nắng là một lợi thế rất mạnh trong cuộc sống.
ThS.BS Trần Thị Hương Giang
Nha khoa Đức Toàn