Chiều 30/3, TS.BS Mai Phan Tường Anh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết bệnh nhân khó thở kéo dài hơn 6 tháng, nghĩ do béo phì nên không đi khám sớm. Gần đây anh không thể gắng sức làm các công việc thường ngày, khó thở nhiều hơn.

Bác sĩ xác định bệnh nhân có khối u nang ruột đôi lớn nằm cạnh thực quản, chèn ép khí quản chính và phế quản gốc bên trái, gần như tắc nghẽn hoàn toàn.

Nang ruột đôi là tổn thương bẩm sinh ở đường tiêu hóa, hiếm gặp, thường được chẩn đoán lần đầu khi còn tuổi sơ sinh và trẻ nhỏ, tỷ lệ 1/4.500 ca sinh sống. Bác sĩ Tường Anh cho biết nang ruột đôi có thể gặp ở người trưởng thành nhưng tần suất ít hơn rất nhiều. Nang ruột đôi lớn chèn ép khí quản như bệnh nhân này, đến nay y văn thế giới chỉ ghi nhận vài ca.

Hinh-2-4459-1680228241.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dCvcajslvvfLLxzJz3jcOA

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân trước khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh nhân này mắc nhiều bệnh nền và khối nang ruột đôi phức tạp, có thể gặp nhiều nguy cơ trong ca mổ. Bệnh viện quyết định phối hợp liên chuyên khoa, vừa nội soi lồng ngực để cắt bỏ nang ruột vừa sử dụng kỹ thuật ECMO nhằm đảm bảo oxy hóa máu tối ưu cho cuộc mổ kéo dài gần 6 giờ.

Hậu phẫu, khối nang ruột đôi đã được cắt bỏ, nhưng đường thở bị chèn ép lâu ngày chưa thể giãn nở hoàn toàn. Bệnh nhân phải tiếp tục duy trì ECMO thêm 5 ngày tại khoa Hồi sức tim mạch.

Sau 20 ngày điều trị, người bệnh vừa được xuất viện trong trạng thái khỏe hoàn toàn, tự vận động đi lại, không còn cảm giác khó thở.

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022