Tổng thống Trump vừa ban hành một số sắc lệnh hành pháp, phản ánh các ưu tiên chính sách trước đây của ông. Các chuyên gia y tế nhận định, chúng sẽ để lại tác động sâu rộng đối với y tế toàn cầu, quyền tự do sinh sản, phá thai và chăm sóc sức khỏe của người chuyển giới.

Quyết định nổi bật nhất là rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Động thái này đã được ông Trump nhắc đến trong nhiệm kỳ thứ nhất. Các chuyên gia y tế công cộng cảnh báo điều này có thể làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu trong việc giải quyết đại dịch, phát triển xét nghiệm và phương pháp điều trị mới, cũng như phân phối nguồn lực đến các khu vực khó khăn.

Việc rời khỏi WHO đồng nghĩa Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) không có quyền truy cập vào dữ liệu toàn cầu mà tổ chức này cung cấp. Đây là phần quan trọng để tạo ra thành phần vaccine cúm mùa hàng năm. Khi Trung Quốc mô tả trình tự gene của Covid-19 năm 2020, nước này cũng công bố thông tin cho WHO, sau đó cơ quan y tế Liên Hợp Quốc chia sẻ với các quốc gia khác.

"Mối đe dọa y tế công cộng ở bất kỳ đâu cũng là mối đe dọa khắp mọi nơi. Bạn không thể đóng cửa đất nước trong một thế giới kết nối", Alice Miranda Ollstein, phóng viên y tế tờ Politico nhận định.

Tổng thống Trump cũng thu hồi một số chính sách dưới thời Biden nhằm giải quyết đại dịch Covid-19 và chuẩn bị cho đất nước trước các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm trong tương lai.

Tất cả đều được ban hành vào năm 2021 trong bối cảnh khủng hoảng, nhằm cường xét nghiệm, nghiên cứu phương pháp điều trị, cung cấp cứu trợ kinh tế và tăng cường hợp tác với các quốc gia trong trường hợp có thêm đại dịch.

Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Trump tuyên bố sẽ phục chức và trả lương cho các quân nhân bị sa thải vì từ chối tiêm vaccine Covid-19. Ông cam kết thực hiện việc này trong tuần, vì cho rằng những quân nhân này đã "bị trục xuất một cách bất công khỏi quân đội khi phản đối quy định bắt buộc tiêm vaccine Covid-19".

Trước đó, khoảng 8.000 quân nhân đã bị buộc rời khỏi quân ngũ vì từ chối tiêm vaccine trong thời gian quy định bắt buộc từ tháng 8/2021 đến tháng 1/2023. Quân đội đưa ra một số ngoại lệ cho các vấn đề y tế hoặc phản đối vì lý do tôn giáo.

Số lượng quân nhân bị ảnh hưởng chiếm chưa đến 1% quân số, nhưng việc sa thải này đã gây ra khó khăn về chính trị cho chính quyền Biden và Lầu Năm Góc. Một số quân nhân đệ đơn kiện, nhằm cố gắng ở lại quân đội, cho rằng lệnh này là bất hợp pháp.

Ông Trump đã hủy bỏ sắc lệnh hành pháp hỗ trợ hoạt động của Trung tâm Đổi mới Medicare và Medicaid. Trong bài phát biểu của mình, ông nhận định nước Mỹ "có một hệ thống y tế không phát huy tác dụng trong thời điểm khẩn cấp, nhưng chi nhiều tiền vào hệ thống này hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới".

Medicare và Medicaid quản lý nguồn ngân sách liên bang cho chăm sóc sức khỏe, chi tiêu đạt 1,8 nghìn tỷ USD, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023. Con số này cao hơn 1,6 nghìn tỷ USD của toàn bộ Liên minh châu Âu.

Medicare và Medicaid đang tiến hành ba thử nghiệm mô hình định giá thuốc. Mô hình đầu tiên nhằm giúp các chương trình Medicaid chi trả cho liệu pháp tế bào và gene có hiệu quả cao, nhưng đắt đỏ. Ý tưởng là tạo ra thỏa thuận mua hàng giữa các bang, cho phép từng bang không cần chi trả tiền thuốc nếu chúng không có tác dụng.

Mô hình thứ hai để kiểm tra việc chi trả của Medicare cho các loại thuốc được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm chấp thuận khẩn cấp. Quá trình này giúp bệnh nhân tiếp cận các thuốc tiềm năng sớm hơn, trước khi chúng được chứng minh về tác dụng. Về mặt lý thuyết, các khoản thanh toán sẽ khuyến khích nhà sản xuất thuốc đẩy nhanh việc nghiên cứu.

Dự án thí điểm cuối cùng được tạo ra nhằm khuyến khích chương trình thuốc theo đơn của Medicare, cung cấp thuốc gốc cho bệnh mạn tính phổ biến, với mức thanh toán cố định là 2 USD. Mục tiêu là chuẩn hóa chi phí thuốc và khuyến khích bệnh nhân tiếp tục tìm kiếm các loại thuốc mới để chữa bệnh.

AP25020626540285-5396-1737437358.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hkIw5vqfSvx77Z-VYc4iXQ

Tổng thống Donald Trump phát biểu trong Lễ nhậm chức tại Điện Capitol ở Washington, ngày 20/1. Ảnh: AP

Trước đó, các quan điểm của Tổng thống Trump về quyền phá thai cũng trở thành tâm điểm tranh luận, đặc biệt sau khi Tòa án Tối cao Mỹ lật ngược vụ kiện Roe và Wade năm 2022. Năm nay, dù ông Trump đã ký hàng chục sắc lệnh hành pháp khi trở lại nhiệm sở, chưa có sắc lệnh nào đề cập đến quyền phá thai. Theo bà Ollstein, điều này khiến các nhóm chống phá thai tại Mỹ trở nên lo lắng.

Các nhóm này dự kiến sẽ gây sức ép để khôi phục các hạn chế đối với chương trình ngăn phụ nữ phá thai, cả trong nước và quốc tế, cũng như hạn chế quyền tiếp cận thuốc phá thai, vốn đã trở thành phương pháp chấm dứt thai kỳ phổ biến ở Mỹ.

Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Trump tuyên bố "chỉ có hai giới tính, nam và nữ", đồng thời hứa sẽ "chấm dứt chính sách của chính phủ nhằm cố gắng đưa vấn đề chủng tộc và giới tính vào mọi khía cạnh đời sống, cả công cộng lẫn riêng tư".

Theo bà Ollstein, động thái này có thể có tác động sâu sắc đến việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe của người song tính, toàn tính luyến ái, phi nhị nguyên và người chuyển giới. Sự thay đổi về chính sách đặc biệt đáng lo ngại với những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ đang phụ thuộc vào dịch vụ y tế liên bang để chăm sóc sau phẫu thuật hoặc sử dụng liệu pháp hormone. Các chuyên gia cảnh báo, điều này có thể khiến họ phải chuyển giới ngược lại, với những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.

Sắc lệnh này cũng ảnh hưởng đến cả lĩnh vực khác, chẳng hạn giáo dục và giấy tờ tùy thân. Các cá nhân chuyển giới và phi nhị nguyên sẽ gặp khó khăn trong việc xin hộ chiếu và các tài liệu liên bang phản ánh bản dạng giới của họ, càng làm cho các cộng đồng này bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Thục Linh (Theo Stat, Reuters, ABC, Politico)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022