Cụ thể, hai tuần trước, bệnh nhân xuất hiện các bóng nước ở ngón 1, 2, 3 bàn chân trái, sau đó tự vỡ, chảy dịch mủ hôi. Ông điều trị tại cơ sở gần nhà nhưng không cải thiện, chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.

Ngày 19/5, bác sĩ Dương Minh Tuấn, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2, tăng huyết áp 10 năm, bệnh thận mạn do đái tháo đường, suy thượng thận. Thời điểm nhập viện, bàn chân trái sưng nề, chảy mủ thối, hoại tử đen ngón 1 và 3.

Kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm trùng nặng, suy thận, suy tim và thiếu máu chưa rõ nguyên nhân. Bác sĩ chỉ định cấy máu, cấy mủ làm kháng sinh đồ, sử dụng kháng sinh phổ rộng, kiểm soát đường huyết và điều trị toàn diện bệnh nền.

"Chỉ trong 48 giờ, tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, vùng hoại tử lan nhanh chóng từ bàn chân lên cổ chân cẳng chân đến đùi", bác sĩ nói. Xét nghiệm nghi nhiễm Clostridium perfringens - một trong những dạng nhiễm trùng mô mềm cấp tính nguy hiểm nhất, tiến triển từng giờ, đe dọa tính mạng. Bệnh nhân sốt cao liên tục, nhiễm khuẩn huyết, suy thận nặng trên nền nhiều bệnh mạn tính phối hợp.

"Nếu tiếp tục điều trị nội khoa, người bệnh tử vong gần như chắc chắn. Nếu mổ cấp cứu, người bệnh có khả năng sốc sau gây mê và có thể tử vong trên bàn mổ", bác sĩ nói.

Sau hội chẩn, bác sĩ chỉ định cắt cụt chi cấp cứu đến 1/3 giữa đùi trái, may mắn đáp ứng điều trị, hồi phục kỳ diệu.

Sau 6 ngày, vết mổ tiến triển tốt dù còn đau nhiều, tình trạng nhiễm trùng, suy thận, suy tim... đã ổn định dần, tiếp tục theo dõi.

A-nh-ma-n-hi-nh-2025-05-19-lu-4770-8697-1747644884.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1O-43AHEw_34MBcgxEKgaA

Bệnh nhân đái tháo đường chích máu để kiểm tra chỉ số đường huyết. Ảnh: Parashospitals

Đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới, đang tăng nhanh chóng và trở thành vấn đề sức khỏe cấp bách. Theo nghiên cứu mới nhất của tạp chí Lancet, số người mắc tiểu đường trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi, từ khoảng 7% lên 14% trong 30 năm qua (1990-2022), lên hơn 800 triệu người. Mức tăng lớn nhất được ghi nhận ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Tại Việt Nam, khoảng 7 triệu người mắc căn bệnh này, trong đó có hơn 55% gặp biến chứng, gồm 34% biến chứng về tim mạch, 39% mắt và thần kinh, 24% thận. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng làm tăng chi phí y tế, giảm chất lượng cuộc sống.

Thống kê từ năm 2000 tới nay cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở người 20-79 tuổi tăng hơn gấp ba lần. Trong 15 năm qua, chi phí về y tế cho bệnh đái tháo đường tăng gấp ba lần. Nhiều bệnh nhân không biết mình mắc bệnh, do không đi khám, chưa được chẩn đoán chính thức, dẫn đến không được điều trị kịp thời.

Đái tháo đường là bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng, thể lực, loại trừ các yếu tố nguy cơ từ sớm. Xét nghiệm đường máu định kỳ hàng năm để phát hiện sớm bệnh và tình trạng tiền đái tháo đường nếu có. Kiểm soát đường huyết tốt, tuyệt đối không được chủ quan trước bất kỳ tổn thương nào.

Thùy An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022