Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), hay còn gọi là đột quỵ nhỏ, xảy ra khi dòng máu lên não bị tắc nghẽn tạm thời. Các triệu chứng như méo mặt, tay yếu hoặc nói lắp thường biến mất trong vòng một ngày. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Neurology ngày 14/5, tình trạng mệt mỏi sau TIA có thể kéo dài đến một năm, đặc biệt ở người có tiền sử lo âu hoặc trầm cảm. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy một người đã từng bị đột quỵ mà không biết.

"Bệnh nhân từng đột quỵ thoáng qua có thể phục hồi nhanh về mặt thể chất, nhưng nhiều người lại gặp vấn đề kéo dài như mệt mỏi, lo âu, trầm cảm hoặc suy giảm nhận thức. Trong số đó, mệt mỏi là triệu chứng phổ biến nhất, có thể tồn tại đến một năm sau cơn đột quỵ nhỏ", tiến sĩ Boris Modrau, tác giả nghiên cứu, bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Aalborg, Đan Mạch, cho biết.

Nghiên cứu theo dõi 354 người với độ tuổi trung bình 70 từng trải qua TIA. Họ được yêu cầu hoàn thành bảng câu hỏi đo mức độ mệt mỏi tại 4 thời điểm: hai tuần, ba tháng, 6 tháng và 12 tháng sau cơn đột quỵ nhỏ. Bảng khảo sát đánh giá 5 dạng mệt mỏi: tổng thể, thể chất, giảm hoạt động, giảm động lực và mệt mỏi tinh thần. Điểm mệt mỏi dao động từ 4 đến 20. Điểm càng cao, mức độ mệt mỏi càng nhiều.

asian-woman-fatigue-sad-body-p-5097-2196-1747643847.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pSbLSFj_yN2bTglBVo2SyQ

Mệt mỏi kéo dài có thể là dấu hiệu của một cơn đột quỵ thoáng qua trong quá khứ. Ảnh: Scitech Daily

Kết quả cho thấy mức mệt mỏi trung bình là 12,3 điểm ngay sau khi xuất viện. Con số này giảm nhẹ theo thời gian: 11,9 sau ba tháng, 11,4 sau 6 tháng và 11,1 sau một năm. Tỷ lệ người tham gia đạt mức mệt mỏi (12 điểm trở lên) chiếm 61% sau hai tuần và vẫn duy trì ở mức 54% tại ba mốc thời gian còn lại.

Đáng chú ý, các kết quả chụp não không cho thấy sự khác biệt về cục máu đông giữa nhóm bị mệt mỏi kéo dài và nhóm không gặp tình trạng này, cho thấy hình ảnh não không lý giải được nguyên nhân của mệt mỏi. Tuy nhiên, tỷ lệ người có tiền sử lo âu hoặc trầm cảm trong nhóm mệt mỏi cao gấp đôi nhóm còn lại.

"Nếu một người cảm thấy mệt mỏi trong vòng hai tuần sau khi xuất viện vì TIA, họ có nguy cơ cao tiếp tục chịu đựng tình trạng này trong suốt một năm tiếp theo", Modrau nói. Ông khuyến nghị cần giám sát chặt chẽ tình trạng mệt mỏi ở bệnh nhân sau TIA, đặc biệt trong những tuần đầu, để có thể can thiệp kịp thời nếu cần.

Một điểm hạn chế của nghiên cứu là bảng khảo sát chủ yếu do chính người bệnh điền, nhưng đôi khi họ có thể nhờ người thân hoặc người chăm sóc hỗ trợ. Điều này ảnh hưởng đến độ chính xác và khách quan của các đánh giá, đặc biệt với những câu hỏi liên quan đến cảm nhận cá nhân như mức độ mệt mỏi.

Thục Linh (Theo Scitech Daily)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022