Ngày 13/5, TS.BS Trần Anh Cường, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, cho biết đây là ca ghép thận thành công thứ ba tại đơn vị. Trước đó, hai ca ghép đầu tiên vào tháng 4/2025 đã thành công, người bệnh ổn định, đã xuất viện.
Trường hợp này, bác sĩ phối hợp với kíp Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ghép thận cho bệnh nhân hôm 11/5. Quá trình ghép diễn ra thuận lợi, thận ghép bài tiết tốt, có nước tiểu ngay sau khi nối xong niệu quản. Hiện sức khỏe cả người hiến và người nhận đều ổn định.
Ghép thận là kỹ thuật chuyên sâu chỉ có ở các bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội hoặc TP.HCM. Tính đến đầu 2024, sau 31 năm ghép tạng và 13 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước thực hiện được hơn 8.000 ca ghép. Hiện, 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan.

Kíp bác sĩ phẫu thuật ghép thận cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bệnh thận và suy thận mạn tính là gánh nặng của ngành y tế cũng như gia đình người mắc. Khảo sát Inside CKD trên 11 quốc gia cho thấy chi phí chi trả cho bệnh thận mạn hàng năm lên đến hàng tỷ USD, chiếm 2,4-7,5% chi tiêu y tế hàng năm. Phí quản lý bệnh thận mạn ở giai đoạn cuối cho các liệu pháp chạy thận nhân tạo, thay thế thận, đặc biệt tăng cao.
Thống kê của Hội thận học thế giới ước tính khoảng ba triệu người đang phải duy trì sự sống nhờ phương pháp lọc máu (bao gồm chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng) và ghép thận. Đặc biệt, tỷ lệ người trẻ, người còn trong độ tuổi lao động mắc bệnh chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng tăng.
Việt Nam ghi nhận hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn tính. Tỷ lệ mắc bệnh thận mạn mới hằng năm là khoảng 8.000 người, 800.000 bệnh nhân cần phải chạy thận lọc máu, chiếm 0,1% dân số. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có 5.500 máy chạy thận phục vụ 33.000 bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong do bệnh này đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
Thùy An