Báo cáo với đoàn kiểm tra công tác thu dung điều trị sởi của Bộ Y tế hôm 29/3, PGS.TS Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Nhi Đà Nẵng, cho biết tiếp nhận khoảng 1.920 ca sởi từ năm ngoái đến nay. Trong đó, số ca của ba tháng đầu năm nay bằng tổng số ca cả năm ngoái.

Còn Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng ghi nhận trong ba tháng đầu năm toàn thành có 3.074 ca sởi, trong đó 56% là trẻ đi học, 22% là trẻ ở nhà và người lớn chiếm 15%. Độ tuổi trên 11 tuổi chiếm 33%, trẻ 0-9 tháng tuổi chiếm 6% và 54% trường hợp chưa tiêm vaccine sởi.

"Tỷ lệ mắc cao nhất là trẻ nhỏ hơn 9 tháng tuổi, hầu như cần điều trị thở máy", PGS Hoàng nói, thêm rằng để ứng phó với dịch sởi, bệnh viện phân luồng điều trị.

Bệnh viện có 4 khoa đang điều trị sởi. Khoa Y học nhiệt đới điều trị bệnh nhân sởi mức độ nhẹ, trung bình, cần hỗ trợ thở oxy. Khoa Nhi Tự nguyện điều trị ca sởi mức độ nhẹ. Còn khoa Hồi sức Nhi điều trị các ca nặng, bệnh nhân suy hô hấp cần can thiệp thở máy, thở CPAP...

"Trong bối cảnh số ca sởi ngày càng tăng, bệnh viện đối mặt với nhiều áp lực về cơ sở hạ tầng và nhân lực", PGS Hoàng nói. Cụ thể, bệnh viện đang giai đoạn sửa chữa nên phải phân tán bệnh nhân ra cả 3 khu vực Hồi sức trẻ lớn, Sơ sinh, Y học nhiệt đới - tự nguyện. Số bệnh nhân sởi tăng nhưng số giường tại khoa Y học nhiệt đới chỉ 68, có khả năng không được Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí.

Bệnh viện đề nghị Sở Y tế phân cấp điều trị và chuyển tuyến bệnh nhân theo mức độ nặng, họp giao ban và thiết lập mạng lưới điều trị, phản hồi ca bệnh với các bệnh viện trong thành phố, tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế và hỗ trợ giám sát, tư vấn công tác phân luồng.

Anh-chup-Man-hinh-2025-03-30-l-8425-6462-1743306456.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=G1A_bnBJ4mPnaJhsuOFJ7g

Một em bé tiêm vaccine tại bệnh viện. Ảnh: Giang Huy

Tại buổi kiểm tra, ThS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Phòng bệnh (Bộ Y tế), cho hay đến nay cả nước đã ghi nhận trên 54.000 ca sởi. "Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp", ông nói. Đà Nẵng là địa điểm du lịch và sắp tới là trung tâm tài chính của khu vực, vì vậy cần phải lên kế hoạch phòng chống dịch thật tốt, tăng cường ý thức của người dân về tiêm phòng nói chung và tiêm phòng sởi nói riêng.

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cũng đề nghị Sở Y tế và bệnh viện cần đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine sởi, rà soát tiêm bổ sung và tiêm đủ liều, tiêm cho 100% nhân viên y tế. Nếu thiếu vaccine sởi, Đà Nẵng đề xuất để Bộ cung ứng đủ.

"Ngành y tế địa phương chuẩn bị các tình huống ứng phó, đảm bảo thuốc men, vật tư y tế để đáp ứng tình hình dịch bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm khác", Thứ trưởng Thuấn yêu cầu.

Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus, chủ yếu lây qua đường hô hấp bởi tiếp xúc gần hoặc dịch tiết từ đường mũi họng của người bệnh. Từ cuối năm 2024 đến nay, dịch bùng phát cả nước. Lý do là bệnh sởi vào chu kỳ dịch 5 năm một lần, và tiến độ tiêm vaccine chậm hơn tốc độ lây lan.

Trong bối cảnh này, Bộ Y tế triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi trên toàn quốc vào năm 2025. Kế hoạch này mở rộng nhóm tiêm chủng, bao gồm trẻ 6-9 tháng tuổi, bổ sung nhóm trẻ 1-10 tuổi và nhóm có nguy cơ cao tại 54 tỉnh, thành.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022