"Sex and the City" - series phim truyền hình hài kịch lãng mạn đã khép lại nhưng dư âm những câu chuyện về cuộc sống, tình yêu, tình bạn của 4 nữ chính trong phim vẫn còn được nhắc nhiều cho tới tận bây giờ.
Phim "Sex and the City" được phát sóng từ năm 1998 đến 2004 trên kênh HBO. Phim dựa trên cuốn sách cùng tên của tác giả Candace Bushnell, kể về cuộc sống, tình yêu, và tình bạn của bốn phụ nữ độc lập, mạnh mẽ sống ở New York.
Dàn nữ chính phim "Sex and the City"
Mỗi nhân vật một tính cách, để lại những ấn tượng khác nhau với người xem. Tuy nhiên, sau "sân khấu" mỗi nữ diễn viên lại có cuộc sống riêng của mình, thậm chí là vượt qua rào cản về sức khỏe để tỏa sáng.
Kim Cattrall - nữ diễn viên đảm nhiệm vai nhân vật Samantha Jones cũng vậy.
Không chỉ làm toát lên một Samantha Jones đầy mạnh mẽ, độc lập, thẳng thắn, nổi tiếng với quan điểm sống tự do, là biểu tượng của sự tự tin, sức mạnh phụ nữ, Kim Cattrall còn đặc biệt thu hút khán giả nhờ vẻ ngoài tự tin và gợi cảm. Sau vai diễn thành công trong "Sex and the City", Kim Cattrall đã nhận được 5 đề cử Giải Primetime Emmy và 4 đề cử Giải Quả Cầu Vàng. Cô cũng tiếp tục tham gia diễn xuất trong nhiều bộ phim khác, trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng và biểu tượng gợi cảm của Hollywood.
Luôn xuất hiện với vẻ ngoài trẻ trung, làn da căng bóng, tràn đầy năng lượng, ít ai biết rằng sao phim "Sex and the City" Kim Cattrall đã ở tuổi 68 và từng được chẩn đoán mắc bệnh Hashimoto - một bệnh về tuyến giáp.
Kinh nghiệm "đối phó" với bệnh Hashimoto của Kim Cattrall
Theo thông tin trên trang E! News, nàng Samantha Jones của "Sex and the City" được chẩn đoán mắc bệnh Hashimoto vào năm 1998, mùa đầu tiên của chương trình "Sex and the City" được phát sóng.
Căn bệnh ảnh hưởng đến tuyến giáp này được biết đến là nguyên nhân gây ra các triệu chứng như tăng cân và mệt mỏi. Đối với một người làm việc ở Hollywood thì chẩn đoán này là một đòn giáng mạnh với Kim Cattrall. Hashimoto có thể là một thách thức cả về thể chất và tinh thần, vì vậy việc theo dõi chặt chẽ là rất cần thiết.
Kim Cattrall chia sẻ với tờ The Express của Anh rằng, cô biết có điều gì đó không ổn khi năng lượng của mình giảm đi khá nhiều, trong khi bình thường cô là người rất "giàu năng lượng". Cô cũng bắt đầu bị rụng tóc, một triệu chứng phổ biến khác của căn bệnh. Nữ diễn viên 68 tuổi nói rằng cô kiểm soát căn bệnh của mình bằng cách dùng thyroxine (một loại hormone tổng hợp) và xét nghiệm máu hai lần mỗi năm.
Bên cạnh việc điều trị Hashimoto bằng thuốc, Kim Cattrall cũng kiểm soát các triệu chứng bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Mỹ nhân "Sex and the City" tiết lộ cô ăn kiêng để duy trì cân nặng khỏe mạnh. "Cân nặng của tôi là một cây đàn Stradivarius, vì vậy tôi phải hòa hợp với nó", cô nói thêm.
Không bị ám ảnh bởi thực phẩm mà thay vào đó là kiểm soát những gì mình ăn - đó là những gì mà cô Kim đã làm. Kim Cattrall đã tuân theo chế độ ăn không có gluten, tránh các sản phẩm từ sữa, bổ sung như kẽm và magiê. "Quả bom tóc vàng" nói rằng cô thích ăn món tráng miệng mọi lúc mọi nơi, miễn là tuân theo câu thần chú: "Tôi có thể ăn nó hôm nay, nhưng ngày mai tôi sẽ không ăn".
Bên cạnh đó, cô cũng ngủ đủ giấc và giảm căng thẳng theo mọi cách. Nhờ vậy mà căn bệnh Hashimoto không thể "làm khó" được cô - nữ chính không thể thiếu trong mọi phần của "Sex and the City".
Bệnh Hashimoto: Những điều cần biết
Bệnh Hashimoto là một bệnh tự miễn, trong đó hệ miễn dịch của cơ thể tấn công và phá hủy tế bào tuyến giáp. Điều này dẫn đến suy giảm chức năng tuyến giáp và thiếu hụt hormone tuyến giáp.
Nguyên nhân chính xác gây bệnh Hashimoto chưa được xác định rõ ràng, nhưng nó liên quan đến yếu tố di truyền và môi trường.
Hệ miễn dịch nhầm lẫn các tế bào tuyến giáp là "kẻ thù" và sản xuất kháng thể tấn công chúng. Điều này làm cho tuyến giáp bị viêm và không sản xuất hormone tuyến giáp.
Hormone tuyến giáp có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự trao đổi chất (cách cơ thể biến thức ăn thành năng lượng). Khi tuyến giáp không hoạt động đúng (hoạt động chậm lại), nếu không được điều trị có thể dẫn đến suy giáp. Đó là khi bạn không có đủ hormone tuyến giáp. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến các triệu chứng như cảm thấy lạnh, táo bón, trầm cảm, cứng khớp, khô da, các vấn đề về trí nhớ, nhịp tim chậm, tăng cân và mệt mỏi.
Hashimoto thường được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu, siêu âm tuyến giáp. Hiện tại chưa có cách phòng ngừa cụ thể. Tuy nhiên, việc duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn có thể giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc các bệnh tự miễn.
Nếu bạn nghi ngờ mình mắc bệnh, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn điều trị. Không tự ý mua thuốc hoặc thay đổi liều lượng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.