Ngày 23/2, Vatican thông báo Giáo hoàng Francis, 88 tuổi, trong tình trạng nguy kịch, biểu hiện "suy giảm nhẹ" chức năng thận. Chuyên gia y tế nhận định đây là dấu hiệu đầu tiên của nhiễm trùng huyết, xảy ra khi vi khuẩn trong hệ hô hấp xâm nhập vào máu. Tình trạng đe dọa tính mạng, có thể dẫn đến suy tạng, thậm chí tử vong.
Thông thường, hệ miễn dịch hoạt động mạnh để chống nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, phản ứng này trở nên thái quá, có thể gây tổn thương các mô và cơ quan bình thường. Lúc này, tình trạng viêm lan rộng khắp cơ thể gây nhiễm trùng huyết.
Nhiễm trùng huyết có thể tiến triển thành sốc nhiễm trùng, khiến huyết áp giảm mạnh, tổn thương phổi, thận, gan và các cơ quan khác. Các tổn thương nghiêm trọng đôi khi dẫn đến tử vong.
Những người trên 65 tuổi có nguy cơ mắc nhiễm trùng huyết cao hơn người khác. Người mắc các bệnh mạn tính, chẳng hạn tiểu đường, béo phì, ung thư, bệnh thận, hệ thống miễn dịch suy yếu cũng có thể tăng nguy cơ.
Quá trình nằm viện lâu dài vì các chấn thương nghiêm trọng như bỏng, hoặc điều trị bằng các phương pháp như đặt ống thở, truyền dịch tĩnh mạch cũng có thể gây nhiễm trùng huyết.
Cáctriệu chứng cơ bản của nhiễm trùng huyết là giảm tiểu tiện, thiếu năng lượng, nhịp tim nhanh, huyết áp thấp. Một số bệnh nhân bị sốt hoặc hạ thân nhiệt, họ run rẩy, ớn lạnh, da ấm, đổ mồ hôi, lú lẫn hoặc kích động. Các biểu hiện hô hấp bao gồm tăng thông khí, khó thở. Các dạng nhiễm trùng nặng như nhiễm trùng phổi có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết.
Biến chứng của nhiễm trùng huyết đa dạng. Người may mắn sống sót phải đối mặt với nguy cơ tử vong nói chung cao hơn bình thường. Nhiều người qua đời vài tháng hoặc vài năm sau khi nhiễm trùng. Tuy nhiên, các bác sĩ đôi khi không rõ nguyên nhân tử vong là nhiễm trùng huyết hay các bệnh lý tiềm ẩn khác. Các nghiên cứu cho thấy hơn một nửa số người sống sót sau nhiễm trùng huyết sẽ tử vong trong vòng 5 năm.

Giáo hoàng Francis tại buổi tiếp kiến ở Vatican ngày 13/3. Ảnh: AFP
Với các phương pháp điều trị mới, nhiều người phục hồi hoàn toàn và trở lại cuộc sống bình thường. Số khác đối mặt với các biến chứng lâu dài bao gồm mất ngủ, ác mộng, ảo giác, hoảng loạn, họ gặp vấn đề về trí nhớ và cơ dai dẳng. Một số bệnh nhân gặp khó khăn về mặt nhận thức, khả năng tập trung và đưa ra quyết định.
Trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh bị suy tạng, dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài.
Điều trị nhiễm trùng huyết sớm và kỹ lưỡng làm tăng khả năng hồi phục. Bệnh nhân nhiễm trùng huyết cần được theo dõi chặt chẽ và điều trị tại phòng hồi sức tích cực của bệnh viện. Họ cần các biện pháp giúp ổn định nhịp tim, nhịp hở.
Kháng sinh phổ rộng có hiệu quả chống lại nhiều loại vi khuẩn, thường được sử dụng đầu tiên. Khi kết quả xét nghiệm máu cho thấy mầm bệnh nào đang gây nhiễm trùng, bác sĩ sẽ chuyển sang loại kháng sinh đặc hiệu hơn.
Các bệnh nhân cũng cần truyền tĩnh mạch, sử dụng thuốc vận mạch để tăng huyết áp. Loại thuốc này có thể được dùng nếu huyết áp quá thấp ngay cả sau khi đã được truyền dịch.
Bệnh nhân nhiễm trùng huyết thường được chăm sóc hỗ trợ, gồm thở oxy. Nếu thận bệnh nhân hoạt động không tốt do nhiễm trùng, họ phải chạy thận nhân tạo. Phẫu thuật có thể giúp loại bỏ nguồn nhiễm trùng, chẳng hạn mủ, mô nhiễm trùng hoặc mô chết.
Thục Linh (Theo Mayo Clinic, Time of India)