Ngày 10/7, bác sĩ Trần Huy Thọ, Phó giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương, cho biết bệnh nhân đến viện khám đầu tháng 7 trong tình trạng đau bụng, mặt tái nhợt.

Chị cho biết hai năm gần đây thường xuyên đi ngoài ra đốt sán, mỗi lần ra từng đoạn vài mét nhưng không hết hẳn, thỉnh thoảng có đốt sán rụng. Bệnh nhân thường xuyên ăn các loại rau sống, uống nước có nguồn từ ao, hồ. Xét nghiệm chẩn đoán người bệnh nhiễm sán dây bò, chỉ định dùng thuốc xổ. Sau gần ba giờ, bệnh nhân thải con sán dài khoảng 9 mét ra ngoài.

"Đây là một trong những trường hợp xổ ra sán dài nhất bệnh viện từng tiếp nhận", bác sĩ nói, thêm rằng thói quen ăn uống kém vệ sinh là nguyên nhân khiến người bệnh nhiễm sán.

sanday-1566445573-1725-1566445-5780-1710-1688981039.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PtYX3DGQROe-Zr0iFGOcdw

Một son sán dây trưởng thành. Ảnh: SCMP

Sán dây trưởng thành ký sinh trong cơ thể người sẽ phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng nghìn đốt sán mới. Chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 đến 12 mét. Mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng.

Người mắc sán dây bò thường do ăn thịt bò tái từ các món lẩu, phở bò, nhúng thịt bò chưa chín. Triệu chứng thường gặp là rối loạn tiêu hóa, đường ruột, thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt.

Bác sĩ Tiến sĩ Thọ nhận định bệnh ấu trùng sán rất nguy hiểm, đặc biệt khi ấu trùng sán di chuyển lên não và làm tổ, gây động kinh, liệt. Giun sán nói chung khi vào cơ thể đều chiếm hết thức ăn, làm người nhiễm kém hấp thu dinh dưỡng, cơ thể suy nhược, chậm phát triển. Bác sĩ điều trị bằng phác đồ đặc hiệu, song người bệnh vẫn có nguy cơ tái nhiễm.

Để phòng ngừa, tiến sĩ Thọ khuyến cáo mọi người nên ăn chín uống sôi. Rửa rau sống nhiều lần dưới vòi nước, ngâm bằng nước muối trước khi sử dụng, rửa tay với xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Trường hợp có triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài ra đốt sán, cần đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022