Mối liên hệ giữa tăng cân, tuổi sinh con và rủi ro ung thư vú
Một nghiên cứu gần đây cho thấy phụ nữ tăng cân đáng kể sau 20 tuổi và sinh con lần đầu sau 30 tuổi hoặc không sinh con có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao gấp ba lần so với những phụ nữ khác. Đây là kết quả của một nghiên cứu được công bố gần đây. Kết quả này cung cấp thông tin quan trọng về mối liên hệ giữa thói quen sinh sản và khả năng phát triển bệnh ung thư vú.

Nghiên cứu này được trình bày tại Hội nghị của Hiệp hội Châu Âu về Béo Phì (ECO 2025) diễn ra ở Malaga, Tây Ban Nha. Nhóm nghiên cứu từ Đại học Manchester đã thực hiện cuộc khảo sát trên 48.417 phụ nữ có độ tuổi trung bình là 57. Đa số phụ nữ tham gia có chỉ số khối cơ thể (BMI) khoảng 26 - được xếp vào nhóm quá cân.
Nhóm nghiên cứu đã chia phụ nữ thành 3 nhóm: Những người sinh con lần đầu trước tuổi 30, sau tuổi 30 và những người chưa từng sinh con. Họ cũng ghi nhận mức độ thay đổi cân nặng của họ so với khi 20 tuổi.
Trong quá trình theo dõi trung bình 6,4 năm, có 1.702 phụ nữ trong số những người tham gia được chẩn đoán mắc ung thư vú.
Kết quả cho thấy, những phụ nữ tăng cân từ 30% trở lên sau khi trưởng thành và sinh con lần đầu sau tuổi 30 hoặc không sinh con có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 2,73 lần so với những phụ nữ không thuộc nhóm này.
Trái lại, những phụ nữ sinh con trước tuổi 30 và chỉ tăng cân dưới 5% có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn đáng kể.
Phát hiện mới trong nghiên cứu ung thư vú
Lee Malcomson, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu, đã kết luận rằng, sự tăng cân và việc trì hoãn sinh con là hai yếu tố cùng nhau làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. "Đây là nghiên cứu đầu tiên xác định tác động của việc tăng cân và tuổi sinh con lần đầu đối với nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Việc nhận thức rõ ràng về việc tăng cân và sinh con muộn, hoặc không sinh con, có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh ở phụ nữ là điều quan trọng", Lee Malcomson cho biết.
Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh, ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở Anh, với tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh là 1/7 (cứ 7 phụ nữ thì có 1 người mắc ung thư vú). Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc cũng công bố trong thống kê quốc gia năm 2022 rằng ung thư vú chiếm 21,5% trong tổng số các loại ung thư ở phụ nữ, xếp ở vị trí đầu tiên.
Tại Việt Nam, ung thư vú chiếm gần 29% tổng số ca ung thư ở nữ giới, tức gần 3 phụ nữ mắc ung thư thì có một ung thư vú.

Hình ảnh các tế bào ung thư vú đang mở rộng để lấy chất dinh dưỡng và oxy từ các mạch máu xung quanh
Sự nguy hiểm của ung thư vú và tầm quan trọng của sàng lọc sớm
Ung thư vú bắt nguồn từ tế bào của các ống dẫn sữa hay các tuyến sản xuất sữa, được gọi là "tuyến vú". Khi bệnh tiến triển, ung thư có thể lan rộng tới hạch lymph ở nách, thậm chí là xương, gan, phổi và các bộ phận khác của cơ thể. Do đó, việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là cực kỳ quan trọng.
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú
Phụ nữ khi phải đối mặt với các yếu tố nguy cơ sau đây gây bệnh ung thư vú cần hết sức chú ý trong khám, tầm soát bệnh sớm nhất có thể:
- Phụ nữ ở độ tuổi từ 40 đến 60.
- Có đột biến gen BRCA1, Các dạng đột biến khác như đột biến gen ATM; TP53; PTEN; CDH1; STK11; PALB2 là các đột biến hiếm, có thể gặp trong bệnh ung thư vú.
- Di truyền, tiền sử gia đình có mẹ, chị em gái bị ung thư vú.
- Phụ nữ có tuổi hành kinh sớm trước 12 tuổi hoặc mãn kinh muộn sau 55 tuổi.
- Phụ nữ không sinh con, hoặc không cho con bú.
- Từng có tiền sử xạ trị vùng ngực.
- Phụ nữ béo phì, có chế độ ăn uống không lành mạnh, ít vận động.
- Sử dụng thuốc tránh thai, các liệu pháp hormone thường xuyên.
Hiện nay rất nhiều phụ nữ ở độ tuổi trẻ cũng đã mắc ung thư vú mà không hề hay biết. Khi chị em không thực hiện khám sức khỏe, các phương pháp tầm soát từ sớm thì hậu quả gây ra bởi ung thư vú rất nguy hiểm.
Những dấu hiệu của bệnh ung thư vú bao gồm sự xuất hiện của cục cứng trong vú, dịch tiết từ núm vú có lẫn máu, thay đổi hình dạng của vú hoặc núm vú. Ngay cả khi không có triệu chứng nào, việc phụ nữ trên 40 tuổi tiến hành sàng lọc ung thư vú từ 1 đến 2 lần mỗi năm vẫn là lời khuyên được đưa ra.
Theo News.naver, Independent, Yahoo