Bếp là nơi quen thuộc nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy sức khỏe. Từ an toàn vệ sinh thực phẩm, nguy cơ cháy nổ, dụng cụ sắc nhọn… Nên ngoài quá trình nấu nướng thì cách sắp xếp đồ đạc trong bếp cũng cần được đặc biệt chú trọng.
Vì vậy, dù bếp chật chội đến đâu cũng có một số thực phẩm không nên để gần nơi nấu nướng trực tiếp. Đặc biệt là nếu dùng bếp có lửa như bếp ga hoặc bếp củi/than. Bởi dù có ngon, bổ mấy chúng cũng nhanh hư hỏng và thậm chí có thể biến thành nơi nuôi “ổ bệnh”. Muốn an toàn cho bản thân và cả gia đình, hãy để 3 thứ này tránh xa bếp nấu nhé:
1. Dầu ăn
Dầu ăn là nguyên liệu thiết yếu trong nấu nướng hàng ngày, nhưng nếu để gần bếp gas, bếp lửa hoặc bất kỳ nguồn nhiệt nào lại tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nghiêm trọng. Khi tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao, dầu ăn rất dễ bị oxy hóa và biến chất, hình thành các hợp chất có hại như aldehyde hay acrolein - những chất đã được cảnh báo có liên quan đến các bệnh lý như tim mạch, viêm mãn tính và ung thư.

Ảnh minh họa
Nguy hiểm hơn, nếu dầu được đựng trong chai nhựa, nhiệt từ bếp còn có thể khiến lớp nhựa bị biến dạng, giải phóng chất độc như BPA hoặc các hợp chất tương tự, ngấm ngược trở lại vào dầu. Việc tiếp xúc lâu dài với các chất này qua đường ăn uống sẽ âm thầm gây hại cho gan, thận, hệ nội tiết và tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa. Do đó, nên để dầu ăn ở xa khu vực nấu nướng, tránh tiếp xúc với lửa và nhiệt độ cao.
Phụ nữ sau tuổi 30 "sở hữu" 2 đặc điểm này có nguy cơ bị ung thư vú cao gấp 3 lần
2. Các loại bột
Các loại bột như bột mì, bột gạo, hay gia vị dạng bột như tiêu xay, ớt bột, quế, cà ri… chứa các hạt mịn li ti, rất dễ khuếch tán vào không khí mỗi khi mở nắp hoặc khuấy đảo. Nếu đặt gần bếp, những hạt bột này có thể tiếp xúc với nhiệt độ cao, thậm chí bén lửa nếu gặp tia lửa gas, tạo ra nguy cơ cháy nổ trong không gian kín như nhà bếp.
Không chỉ vậy, môi trường bếp thường xuyên có hơi nước, dầu mỡ và nhiệt độ dao động mạnh - những yếu tố dễ khiến bột hút ẩm, vón cục, bị nấm mốc hoặc biến chất. Việc sử dụng các loại bột bị nhiễm ẩm hoặc nấm mốc không chỉ làm mất hương vị món ăn mà còn có thể dẫn tới rối loạn tiêu hóa, dị ứng, hoặc tích lũy độc tố ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Vì vậy, hãy luôn đậy kín các loại bột và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh xa khu vực bếp nấu.
3. Thực phẩm đóng hộp
Thực phẩm đóng hộp như thịt, cá, hoặc rau quả thường được bảo quản trong hộp kim loại hay hộp nhựa. Không phải loại nào cũng buộc phải để trong tủ lạnh, nhưng rất nhiều người có thói quen hoặc vì không gian quá chật mà để chúng gần bếp nấu và đây là một sai lầm nguy hiểm.
Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài, lớp kim loại hay nhựa bên ngoài hộp có thể bị biến dạng hoặc oxy hóa, làm tăng nguy cơ các chất độc hại như thiếc, nhôm hoặc BPA từ lớp lót bên trong rò rỉ vào thực phẩm. Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng và hương vị món ăn, việc tiêu thụ thực phẩm nhiễm các hóa chất này trong thời gian dài còn tiềm ẩn rủi ro cho gan, thận và hệ thần kinh, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính hoặc ung thư.

Ảnh minh họa
Ngoài ra, nếu hộp thực phẩm bị kín quá mức và tiếp xúc với nhiệt quá cao, áp suất bên trong có thể tăng nhanh, dẫn đến hiện tượng nổ hộp - gây bỏng, thương tích hoặc cháy nổ trong bếp.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Sunday More