Con số do Cục Thống kê công bố hồi cuối tháng 4, dựa trên dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia, dưới sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Tổ chức Y tế công cộng, cho thấy xu hướng kết hôn muộn ở cả hai giới tiếp tục tăng, với mức tăng trung bình 1,1 tuổi từ năm 2021 đến 2023.

Nữ giới có xu hướng kết hôn sớm hơn nam giới. Ở các cặp đôi, đa phần người chồng có tuổi lớn tuổi người vợ (hơn 72%) và mức chênh lệch từ 1 đến 4 tuổi (chiếm khoảng hơn 43%). Tỷ trọng các cặp đôi mà vợ lớn tuổi hơn chồng chỉ chiếm khoảng 16%.

Vào tháng 7/2024, Tổng cục Thống kê cũng công bố độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại TP HCM là 30,4 - cao nhất cả nước, vượt xa nhiều tỉnh thành khác. Con số này tăng liên tục từ 2019, bình quân mỗi năm tăng 0,7 tuổi. Thạc sĩ Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, cho biết các nghiên cứu ghi nhận ngày càng nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân, không kết hôn, sinh con do gặp khó khăn về tài chính, muốn theo đuổi sự nghiệp, khao khát tự do. Ngoài ra, người trẻ không mặn mà kết hôn còn do ảnh hưởng từ các câu chuyện gia đình đổ vỡ, chưa tìm kiếm được mẫu hình lý tưởng...

Trong khi tuổi kết hôn tăng, mức sinh của Việt Nam giảm. Lý do, kết hôn muộn kéo theo sinh con muộn. Tuổi trung bình khi sinh con của phụ nữ Việt Nam hiện nay là khoảng 28-29. Còn tỷ suất sinh của Việt Nam những năm gần đây dao động quanh mức 1,8-1,86 con/phụ nữ, thấp hơn hẳn mức thay thế 2,1. Đây là hệ quả của xu hướng giới trẻ "lười yêu, ngại cưới, sợ sinh con". Độ tuổi kết hôn tăng cùng tỷ lệ sinh giảm sẽ đẩy nhanh hơn quá trình già hóa dân số ở Việt Nam.

Các chuyên gia đánh giá nếu không có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số thì tổng tỷ suất sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu hơn và duy trì lâu dài. Thời gian qua, Bộ Y tế và các chuyên gia đã đề xuất nhiều chủ chương, kiến nghị nhằm tăng mức sinh. Trong đó, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội khóa XV, từng đề xuất thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng. Đồng thời, cần chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người.

Anh-chup-Man-hinh-2025-05-12-l-6695-9469-1747010997.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JwWIHYGMsdCzVnLchDeA-A

Giới trẻ chụp ảnh cưới tập thể. Ảnh: Việt Anh

Bên cạnh con số về độ tuổi kết hôn, cơ quan thống kê cũng công bố vấn đề kết hôn với người nước ngoài. Từ năm 2021 đến nay, xu hướng kết hôn với người nước ngoài đang tăng mạnh cả về số lượng và tỷ lệ. Năm 2021, cả nước chỉ có hơn 2.000 cuộc kết hôn có yếu tố nước ngoài, chiếm khoảng 0,5% tổng số cuộc kết hôn trong cả nước. Con số này lần lượt tằng lên 1,9% năm 2022 và 2,8 năm 2023. Phụ nữ Việt kết hôn với người nước ngoài nhiều hơn nam giới, chủ yếu lấy chồng quốc tịch Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022