Ngày 29/1, bác sĩ Đặng Thị Thu Phương, Phó trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, cho biết người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, ở nhà xuất hiện sốt, ho, đau họng nên tự điều trị bằng thuốc cảm cúm thông thường nhưng không đỡ.
Ngày thứ ba, người bệnh xuất hiện khó thở, tức ngực, mệt nhiều, người nhà đưa vào viện trong tình trạng suy hô hấp, chỉ số nồng độ oxy trong máu (SPO2) 85-90%, phổi co thắt.
Bác sĩ xét nghiệm cúm A dương tính, chụp CT ngực thấy tình trạng viêm phổi lan tỏa và đông đặc. Người bệnh được điều trị bằng thuốc kháng cúm Oseltamivir, chống bội nhiễm bằng kháng sinh, thở oxy, khí dung. May mắn sau một tuần, tình trạng bệnh cải thiện tốt lên rõ rệt, hết sốt, giảm viêm long, hết khó thở.
Hình ảnh phổi của người bệnh bị viêm lan tỏa và đông đặc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận rất nhiều trường hợp đến khám khi bệnh đã trở nặng, nhiều biến chứng trên phổi, cơ, não. Cao điểm có ngày nơi này tiếp nhận 15 ca nhiễm cúm A, trong đó 8 trường hợp phải nhập viện, 3 người suy hô hấp, viêm phổi nặng phải thở oxy hỗ trợ.
Bác sĩ Phương nhận định những trường hợp trên nếu được khám, phát hiện sớm sẽ hạn chế tối đa việc nhập viện, rút ngắn thời gian điều trị, hạn chế bệnh tiến triển nặng và chi phí.
Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên chủ quan với bệnh cúm A, nhất là khi vào mùa dịch. Người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người trong trại dưỡng lão, người có bệnh lý nền, nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh, cần chủ động phòng ngừa bệnh bằng cách tiêm vaccine, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người nhiễm và nghi nhiễm cúm, sát khuẩn tay, không tụ tập đông người khi có dịch lưu hành.
Người dân khi có những dấu hiệu nghi nhiễm cúm A cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, không tự ý điều trị để tránh những biến chứng.
Thúy Quỳnh