Ngày 2/7, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật trồng nối thành công cánh tay bị đứt rời cho bệnh nhân bị tai nạn lao động.

Theo đó, ngày 30/6, Khoa Chấn thương chung và Vi phẫu, Bộ môn - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Quân y 103) tiếp nhận bệnh nhân nam T.V.V, 44 tuổi bị đứt rời 1/3 dưới cánh tay trái do tai nạn lao động.

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã nhanh chóng làm công tác chuẩn bị, khẩn trương triển khai phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp để nối lại cánh tay trái cho người bệnh.

Ca mổ diễn ra trong gần 5 giờ, cánh tay trái bị đứt rời của bệnh nhân đã được nối lại thành công.

4494708729948666659746775523575626415980308n-1719931693916931636300.jpg

Phần cánh tay sau khi được trồng nối đã sống tốt. Bệnh nhân đang được chăm sóc sau mổ, phục hồi chức năng tại bệnh viện. Ảnh BVCC

TS Vũ Hữu Trung, Phó Chủ nhiệm khoa Chấn thương chung và Vi phẫu cho biết, phẫu thuật trồng nối lại các chi thể đứt rời là một loại hình phẫu thuật đòi hỏi các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm về chuyên ngành chấn thương chỉnh hình nói chung và vi phẫu thuật nói riêng, nắm chắc các kỹ thuật vi phẫu chuyên sâu để trồng nối chính xác các chi thể đứt rời cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, để thực hiện phẫu thuật này còn yêu cầu nhiều trang thiết bị hiện đại chuyên dụng, cùng sự phối hợp với nhiều đơn vị, mà quan trọng nhất là bộ phận gây mê. Bởi lẽ, với những ca phẫu thuật trồng nối thường diễn ra trong thời gian dài nên cần đảm bảo vô cảm cho bệnh nhân để không bị đau đớn đồng thời giữ an toàn tính mạng cho người bệnh.

Về trường hợp bệnh nhân trên, TS Trung cho biết, bệnh nhân bị tổn thương do cuốn giật, các thành phần tổn thương do cơ chế nhổ giật rất phức tạp kèm theo nhiều yếu tố nguy cơ đối với tình trạng toàn thân của bệnh nhân gây khó khăn cho ca mổ. May mắn ca phẫu thuật đã thành công.

Hiện tại, phần cánh tay sau khi được trồng nối đã sống tốt. Bệnh nhân đang được chăm sóc sau mổ, phục hồi chức năng tại bệnh viện.

Làm gì khi gặp trường hợp chi thể bị đứt rời?

Theo các bác sĩ, sau khi chi thể bị đứt rời, phần bị đứt sẽ bị ngừng cung cấp máu do đó các tế bào mô sẽ dần dần tổn thương theo thời gian và chết đi. Vì vậy, việc bảo quản chi thể đúng cách sẽ kéo dài thời gian sống của mô, ngược lại nếu bảo quản sai phương pháp không những không bảo tồn được mô mà có thể khiến mô bị tổn thương nặng hơn.

Thời gian chịu đựng sự thiếu máu nuôi của mỗi loại mô một khác, ngắn nhất là bắp thịt (chỉ trong 2 giờ ở nhiệt độ trên 20 độ C). Trong môi trường lạnh (dưới 10 độ C), thời gian chịu đựng sẽ tăng lên tới 4-6 giờ. Do đó, bảo quản chi đứt lìa ở môi trường lạnh là phương pháp đơn giản nhất để duy trì sự sống cho tổ chức mô.

Khi gặp trường hợp bị đứt rời chi thể do tai nạn lao động, các chuyên gia khuyến cáo, cần thực hiện một số biện pháp sau: 

Đối với người cấp cứu: Cần vệ sinh tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn, đi găng tay y tế hoặc găng tay sạch, tránh tiếp xúc trực tiếp tay với phần chi thể đứt rời.

Với bệnh nhân (phần trung tâm của chi thể bị đứt):

- Rửa vết thương bằng nước sạch hoặc dung dịch nước muối sinh lý; sau đó băng kín vết thương bằng vải sạch hoặc gạc vô trùng.

- Đối với tai nạn đứt lìa ngón tay, chỉ cần băng ép lên vết thương là đủ. Nếu đứt lìa bàn tay, bàn chân, cần làm thêm garô để tránh chảy máu. 

Với phần chi đứt lìa (phần ngoại vi):

- Cầm nắm nhẹ, rửa sạch bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Không được rửa bằng xà phòng hoặc hóa chất.

- Bọc kín bằng gạc hoặc vải sạch (chú ý không bọc quá dày) quanh phần đứt lìa rồi cho vào túi ni lông mỏng, buộc kín miệng túi để nước không thể thấm vào.

- Đặt túi vào thùng đá lạnh, thau chứa đá lạnh, hoặc đơn giản nhất là cho vào trong một túi nhựa khác có chứa đá lạnh. Mục đích của quấn băng vải quanh phần chi đứt lìa là để chi không tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh.

- Nếu bộ phận cơ thể chưa đứt lìa hoàn toàn mà vẫn còn dính lại trên da, không nên cắt rời, kể cả trường hợp gần như đứt hoàn toàn. Thay vào đó, nên dùng dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương.

- Chuyển nhanh bệnh nhân đến cơ sở y tế có đủ khả năng thực hiện kỹ thuật vi phẫu trồng chi thể đứt lìa, tránh đi lòng vỏng lãng phí thời gian vàng để có thể cứu sống chi thể.

Trường hợp nếu đến muộn mà nối chi vào cơ thể thì độc chất ở chi hoại tử sẽ phóng thích vào máu, ảnh hưởng đế tính mạng bệnh nhân, do vậy bệnh nhân đến trễ thường phải bỏ phần chi bị đứt, không thể nối được.

3399219419034675773712638883515627136196344n-1680840998432447427558-83-0-1333-2000-crop-1680841153116805516706.jpgKỳ tích: Lần đầu tiên tại Việt Nam nối thành công 2 cẳng chân bị đứt rời cho một bệnh nhân

GĐXH – Theo các bác sĩ, tình hình đứt rời chi thể do mất an toàn trong lao động rất thường gặp, nhưng rất hiếm gặp trường hợp đứt rời cả 2 cẳng chân. Đây là trường hợp đầu tiên được trồng lại cả 2 cẳng chân trên một người bệnh ở Việt Nam.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022