Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng Khoa Nội Tổng hợp, ra y lệnh dùng thuốc trợ tim, cho bệnh nhân thở oxy mask. Bên ngoài, một điều dưỡng tìm cách liên lạc người nhà nhưng không kết nối được. Sau khi ổn định huyết áp, nam thanh niên được chuyển vào phòng hồi sức, chăm sóc tích cực. Lúc này, bác sĩ tiếp tục gọi về cho gia đình bệnh nhân, bố mẹ từ chối thăm nom, chỉ nói "khi nào nó chết hãy gọi".

Vài ngày sau, bệnh nhân yếu và có dấu hiệu khó qua khỏi, bác sĩ Hưng tiếp tục gọi cho người nhà, nhấn mạnh "đây có thể là cơ hội cuối". Trái với suy nghĩ của bác sĩ, gia đình bình tĩnh đón nhận tin dữ, nói sẽ thu xếp đến, không có câu hỏi thêm.

"Điều khiến tôi rất buồn bực là trong lúc chúng tôi nỗ lực cứu chữa thì người bố đến và thản nhiên rút bình oxy của bệnh nhân, nói đằng nào cũng chết, gia đình cũng đã xem ngày giờ xong", bác sĩ Hưng nhớ lại và tự hỏi nếu cũng là người con trai đấy nhưng mắc bệnh nan y khác, liệu có bị bố mẹ có đối xử như vậy.

Khi ấy, bác sĩ bức xúc ngăn người nhà rút ống thở của bệnh nhân và mời họ ra ngoài, tiếp tục cấp cứu với nguyên tắc còn 1% hy vọng cũng không bỏ cuộc.

Gần 30 năm làm nghề, bác sĩ Hưng nói trường hợp này khiến anh cảm nhận số phận con người "thật rẻ rúng và cay đắng". Dù người con trai có mắc sai lầm, nhưng không có nghĩa anh ta bị chối bỏ quyền sống, bác sĩ chia sẻ.

a42d1bdc-5080-4a5d-a725-1fcb4c-2166-9134-1670088076.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OTj5FubHUMuUZw9g78ml0w

Bác sĩ Hưng điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện 09. Ảnh: Thùy An

Bệnh nhân trên chỉ là một trong hàng trăm số phận mắc HIV/AIDS điều trị tại Bệnh viện 09. Năm 2005, đại dịch HIV lan rộng, trung tâm này ra đời theo nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội, đổi tên thành Bệnh viện 09 vào năm 2010. Nơi đây được mệnh danh là "trận địa ác liệt nhất" điều trị bệnh nhân HIV/AIDS. Riêng khoa Nội tổng hợp là nơi đầu sóng ngọn gió, chuyên tiếp nhận và cấp cứu, sàng lọc bệnh nhân trước khi chuyển xuống các khoa phòng khác.

Tốt nghiệp trường Đại học Y năm 1995, bác sĩ Hưng nhận công tác tại Bệnh viện 09 khi cơ sở này khánh thành và gắn bó đến nay. Theo bác sĩ Hưng, thành phần bệnh nhân điều trị tại đây khá phức tạp, từ người nghiện chích ma túy, gái bán dâm đến những thân phận bị gia đình bỏ rơi. Hầu hết người bệnh nhập viện trong tình trạng yếu ớt, suy kiệt, tâm lý bất ổn, cô đơn vì bị xem như món nợ. Có bệnh nhân không nói địa chỉ gia đình, khai sai tên, nên đến lúc qua đời cũng không có người thân, không tiếng kèn trống, phải chết trong cô độc.

"Nhóm này thường mang tâm lý bất cần, vào viện nhưng không muốn điều trị mà xem đây là nơi trú ẩn, bấu víu để được chết thanh thản", anh Hưng nói.

Nhóm thứ hai là người nghiện ma túy, gái mại dâm, thường nhập viện trong tình trạng nặng, lở loét, không hợp tác, thậm chí hành hung và tấn công nhân viên y tế, nhất là lúc lên cơn thèm thuốc.

Nhóm thứ ba là những người vô tình nhiễm bệnh, không biết nguồn lây, tâm lý suy sụp vì không dám tâm sự với gia đình, nhưng họ rất tuân thủ điều trị. "Dù ở trường hợp nào, tất cả bệnh nhân đều bị kỳ thị, bác sĩ điều trị cũng bị phân biệt đối xử. Đây là nỗi trăn trở lớn nhất của bác sĩ điều trị người bị HIV", vị bác sĩ tâm sự.

Cũng ám ảnh vấn nạn bệnh nhân bị kỳ thị, bác sĩ Lê Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Khoa Nội tổng hợp, kể về nam thanh niên 30 tuổi, nghiện ma túy, bị gia đình chối bỏ trong lúc sức khỏe ngặt nghèo nhất. Hàng ngày, mẹ bệnh nhân thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc, mang rau củ ở nhà biếu bác sĩ, nhưng chị từ chối, nói chăm sóc bệnh nhân là trách nhiệm. Bà cũng nhiều lần mang phong bì, lúi húi dúi vào túi chị.

"Hóa ra không phải bà mong bác sĩ tận tâm cứu chữa mà gia đình không muốn đưa con về nhà, sợ khi khỏe lại con trở về tiếp tục trộm cắp và hành hạ mọi người", bác sĩ Huyền kể lại và nói đây là ca bệnh khiến chị không thể quên.

Sự kỳ thị không chỉ gặp ở bệnh nhân, mà chínhbác sĩ điều trị cũng thi thoảng đối mặt với thái độ xa lánh từ người thân và xã hội. Có bác sĩ bị gán với biệt danh "AIDS", gia đình lảng tránh, bị vợ hoặc chồng đe dọa "không nghỉ việc thì ly hôn". Bác sĩ Hưng kể chưa từng nhận được hoa hay lời chúc nào từ bệnh nhân trong ngày 27/2, song cũng là điều dễ cảm thông, bởi "ai cũng đau khổ, kiệt quệ, không còn tâm trí nghĩ đến người khác".

Theo một nghiên cứu của Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, hầu hết nhân viên y tế điều trị HIV bị xã hội kỳ thị do sợ lây nhiễm, công việc cũng nguy hiểm hơn so với các chuyên ngành khác do tiếp xúc thường xuyên với người mang bệnh. Ngoài ra, họ bị gia đình phản đối, yêu cầu nghỉ việc hoặc không được lập gia đình với bác sĩ điều trị bệnh nhân HIV.

"Công việc áp lực, căng thẳng, thiếu thiết bị bảo vệ, thu nhập không có gì ngoài lương, bệnh nhân thuộc nhiều tầng lớp nguy hiểm nên nhiều nhân viên y tế chọn nghỉ việc, dẫn đến thiếu hụt nhân lực", theo nghiên cứu của dự án.

Ngoài nỗi day dứt với số phận bệnh nhân, các bác sĩ còn thấp thỏm với nguy cơ lây nhiễm. Bác sĩ Huyền cho biết hàng năm, bệnh viện phát hiện nhiều nhân viên y tế bị phơi nhiễm HIV, nguyên nhân có thể do thực hiện thủ thuật hoặc giẫm phải kim tiêm. Ngoài ra, xử lý rác thải như phân loại vật bén nhọn, rác y tế, rác sinh hoạt, thùng chứa rác nguy hiểm không đúng cách cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, chị luôn nhắc nhở đồng nghiệp đeo găng tay, đeo khẩu trang để bảo hộ cho mình.

"Mỗi ngành nghề đều có nguy hiểm, đây là lúc chúng tôi vận dụng kỹ năng và kinh nghiệm của ngành Y để tự bảo vệ mình", bác sĩ Huyền nói.

Hiện, Việt Nam là một trong bốn quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới, cùng với Anh, Đức và Thụy Sĩ. Bộ Y tế đặt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Tuy chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng đã có nhiều loại thuốc thế hệ mới giúp hạn chế tác dụng phụ, bệnh nhân chỉ cần tuân thủ điều trị là có thể sống khỏe mạnh cả đời. Về phía nhân viên y tế, bác sĩ Hưng hy vọng có thêm chính sách đãi ngộ tốt hơn cho người thầy thuốc, để họ yên tâm làm nghề.

Giữa khó khăn, một trong những điều níu giữ các bác sĩ ở lại với nghề là sự tiến bộ của bệnh nhân. Như một người bệnh 35 tuổi, nghiện ma túy, bị bố mẹ kỳ thị, không nơi nương tựa, điều trị tại viện rồi quen và kết hôn với nữ bệnh nhân khác. Vợ anh 30 tuổi, là gái mại dâm, nhiễm HIV.

"Ngoài bệnh tật, họ chẳng có gì", bác sĩ nói, thêm rằng cả hai phải đi làm phụ hồ để trang trải cuộc sống, rồi sinh con khỏe mạnh. Tuy nhiên, cặp vợ chồng giấu bệnh, sống trong những xóm nghèo, nếu không may bị phát hiện, họ lại ôm con đi tìm chỗ ở mới.

Sau đó, một bác sĩ ở bệnh viện cưu mang họ, cho cả hai ở nhờ nhà tại quê, trồng cây làm vườn. Đến nay, con trai đã được 5 tuổi, cả hai đều khỏe mạnh, tái khám đều đặn. "Ai cũng có quyền được sống, và vì những con người như vậy có số phận quá đặc biệt nên tôi chọn ở lại với nghề để đồng hành cùng họ", bác sĩ Hưng tâm sự.

Minh An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022