Âm thanh quý giá nhất
Làm việc tại đơn nguyên sơ sinh, ngày ngày chị Tuyền và đồng nghiệp tiếp xúc nhiều nhất là với những em bé còn đỏ hỏn, đón các em từ giây phút chào đời đầu tiên, theo sát từng nhịp thở, chăm sóc vỗ về các em những ngày đầu đời để an toàn về nhà với gia đình. Họ giao tiếp với những thiên thần nhỏ qua những cử chỉ khẽ khàng và những tiếng khóc.
"Nhiều người hỏi mình là nghe trẻ con khóc nhiều vậy có mệt không, có đau đầu không. Với chúng mình thì tiếng khóc còn dễ chịu hơn rất nhiều so với tiếng máy monitor hay máy thở. Còn khóc là còn khỏe, là còn niềm vui", chị Tuyền vui vẻ nói.

Với các điều dưỡng sơ sinh, tiếng khóc còn dễ chịu hơn rất nhiều so với tiếng máy monitor hay máy thở. Ảnh: G.Võ
Chị vẫn nhớ như in ca sinh đầu tiên mình được chứng kiến, khi đó một em bé đã chậm khóc. "Khi ấy mình chỉ mới được đứng quan sát thôi mà tim đã đập dồn dập theo tốc độ hành động của cả ekip, chưa bao giờ mình thấy rõ ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh đến thế. May mắn là cuối cùng em bé đã hồng hào trở lại và cất tiếng khóc đầu tiên. Đó cũng là lúc mình thấy người bố đứng bên cạnh nước mắt giàn giụa, bản thân mình cũng không kìm được nước mắt."

Hạnh phúc của người mẹ khi nghe tiếng khóc đầu tiên của con. Ảnh: G.Võ
Tiếng khóc của những đứa trẻ cứ thế đồng hành với chị suốt 15 năm qua, không chỉ là niềm vui mà còn là những "chỉ dẫn" nhỏ giúp chị trưởng thành hơn với nghề. Chị nói: "Khi nghe thấy tiếng khóc, mình trò chuyện với các em bé như với những người bạn. 'Đây đây, tôi đây rồi, bạn chờ một chút, chờ tôi một chút nào' mỗi lúc nói vậy là mỗi lần điều dưỡng nhi sơ sinh chúng mình rèn luyện sự kiên nhẫn. Chúng mình nhẹ nhàng hơn với các con, quan sát kĩ hơn để biết các con đang cần gì và vỗ về các con bằng những yêu thương chân thành nhất."
Những đêm nhớ mẹ và tình yêu với nghề
Ở Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội nơi chị Tuyền làm việc, sản phụ được khuyến khích gửi em bé cho các cô điều dưỡng chăm sóc để được nghỉ ngơi hoàn toàn và nhanh phục hồi nhất. Vậy nên, có những thời điểm, số em bé ở trong phòng chăm sóc sơ sinh lên tới hơn 20. Nhiều mẹ cũng thường hỏi, bằng cách nào các cô điều dưỡng có thể chăm sóc cùng lúc ngần ấy em bé mà không khỏi mệt mỏi.

Có những đêm các con khóc đồng loạt. Ảnh: G.Võ
Khi chúng tôi đưa ra thắc mắc này, chị Tuyền chia sẻ "Có những đêm các con khóc đồng loạt. Nói không áp lực, không mệt mỏi là không hẳn nhưng chúng mình đều vượt được qua. Mình có trò chuyện với những đồng nghiệp khác, hóa ra chúng mình có cùng động lực. Những lúc ấy, chúng mình đều nghĩ về mẹ.
Lúc đó mình nhận ra hóa ra khi mình còn nhỏ, mình cũng khóc như thế, mẹ mình cũng có những đêm dài vất vả dỗ dành mình như thế. Mình mới thấy thấm thía mẹ đã hy sinh nhiều thế nào để mình khôn lớn như hôm nay. Nhiều đêm chúng mình bật các bài hát ru, nghe những bài hát về mẹ, dù ở xa nhà nhưng nghĩ đến mẹ thôi là có thêm động lực với nghề mình đã chọn", chị Tuyền không khỏi xúc động khi chia sẻ điều ít ai biết này.
Mười lăm năm từ "người được chọn" thành người quyết tâm gắn bó với nghề
"Nghề chọn mình và đó là một cái duyên, một may mắn rất lớn trong cuộc đời mình", chị Tuyền nói. Kể về hành trình ấy, chị chia sẻ khi tốt nghiệp ngành điều dưỡng, ban đầu chị định theo học về chuyên khoa Mắt, học được chừng một năm thì đọc được tin tuyển dụng của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội và ứng tuyển. Trong buổi phỏng vấn, một câu nói đã gần như thay đổi cuộc đời chị, người phỏng vấn bảo "Cô thấy cháu rất hợp làm sơ sinh".

Chị Kim Tuyền - Điều dưỡng nhi sơ sinh.
Vậy là 15 năm cứ thế trôi qua, với bàn tay nhỏ xinh, dáng người nhỏ nhắn, một chút mơ mộng và tình yêu thật lớn dành cho những em bé mới chào đời, chị Tuyền ngày một yêu nghề, lúc nào cũng tâm niệm mình cần học hỏi nhiều hơn để làm tốt nghề của mình. "Với những người làm sơ sinh chúng mình, phải yêu nghề mới có thể làm được. Khi các bạn chọn là các bạn yêu nghề, chỉ khi yêu nghề các bạn mới có thể dành cả con tim để chăm sóc các em bé".
15 năm trôi qua, từ một cô gái nhỏ tay chưa quen bế bé, giờ chị Tuyền đã chăm sóc hàng ngàn em nhỏ. Những đứa trẻ từng nằm trong vòng tay cô, giờ đã chạy nhảy, cười đùa, có đứa còn quay lại thăm "cô Tuyền" cùng cha mẹ.
Chị bảo, mình không mong gì hơn, chỉ cần thấy các em khỏe mạnh – là đủ.