Ngày 23/4, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận xử lý hai trường hợp bị vỡ túi độn ngực, trong đó, một người phụ nữ 55 tuổi, bị vỡ túi ngực mà không biết, không có dấu hiệu bất thường. Chị cho hay khi phẫu thuật nâng ngực được bác sĩ tư vấn "bảo hành túi vĩnh viễn nên không đi kiểm tra".

Tiến sĩ thẩm mỹ Tống Hải, Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia, nhìn nhận hiện ngày càng nhiều phụ nữ có nhu cầu đi nâng ngực, song đối tượng đặt túi thường là nhóm tuổi trẻ 18-35 tuổi, mục đích để làm đẹp.

Túi nâng ngực là sản phẩm được đặt dưới bầu ngực để tăng kích thước vòng một, có nhiều hình dạng, kích cỡ và thiết kế để phù hợp với tình trạng cơ thể của mỗi người. Loại túi được dùng để nâng ngực chất liệu là silicone dạng gel, được đánh giá rất chắc và bền. Tuy nhiên, nếu không kiểm tra định kỳ, người đặt túi có nguy cơ đối mặt với việc túi bị vỡ.

Đa phần các trường hợp bị vỡ túi là do tác động lực mạnh từ bên ngoài vào vùng ngực như chấn thương, ngã, tai nạn, bị đánh, va đập hoặc do vật sắc nhọn đâm vào ngực. Ngoài ra, một nguyên nhân khác gây vỡ túi ngực là do co bao xơ ngực, do chất lượng sản xuất hoặc sau thời gian dùng lâu dài chất lượng kém đi nên dễ bị rách.

Theo nguyên lý, khi đặt túi, cơ thể tạo ra bao xơ mỏng quanh túi ngực để tạo thành khoang cố định. Do một nguyên nhân như chảy máu, tụ máu, viêm, phản ứng dị ứng của cơ thể, va chạm mạnh mà bao này dày lên, cứng lại, càng ngày càng co nhỏ gây biến dạng ngực. Nếu bao quá dày, co mạnh sẽ gây biến dạng túi silicone ngực, có thể gây vỡ túi. Khi vỡ, túi gel silicone tràn ra, có thể vẫn nằm trong bao túi ngực hoặc xâm nhiễm ngoài bao ra mô xung quanh, gây viêm cứng mô xung quanh.

Một số biến chứng muộn có thể xảy ra sau khi đặt túi là co bao xơ ngực, dẫn đến biến dạng, ngực không cân đối, gồ ghề, gây đau, khó khăn cho con bú hoặc tiết ít sữa, gây mất cảm giác đầu ti, dị ứng muộn, sẹo mổ phì đại, lồi, chảy máu thứ phát.

"Nhìn chung, tất cả các vật liệu khi đưa vào cơ thể đều có hạn sử dụng. Với túi ngực, khuyến cáo nên thay túi sau 10-15 năm", bác sĩ cho hay. Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo không nên độn túi ngực quá 15 năm. Sau khi đặt túi nâng ngực, chị em lưu ý đi khám định kỳ 5 năm một lần.

tong-hai-2-257-jpeg-1713940734-9302-1713941127.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MzngC2uQRrRPsLZHk4S6gg

Bác sĩ Hải xử lý biến chứng cho một bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Người có nhu cầu đi nâng ngực cần được tư vấn rõ về vật liệu độn, cách thức phẫu thuật (đường mổ, vị trí đặt túi), bác sĩ phẫu thuật có chứng chỉ, kinh nghiệm, phẫu thuật tại cơ sở được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ, chăm sóc hậu phẫu, bảo hành, biến chứng có thể xảy ra, cách xử lý, giá thành.

Chị em có thể chọn các phương pháp khác như tiêm mỡ tự thân, sử dụng túi độn ngực, phẫu thuật chuyển vạt vi phẫu đối với một số trường hợp mất tuyến vú do cắt bỏ. Đặc biệt lưu ý không vì ham rẻ, nghe theo lời quảng cáo mà tiêm filler để nâng ngực. Tiêm filler mang hiệu quả nhanh chóng, song chỉ thích hợp với những vùng có diện tích nhỏ như mũi, cằm, má, môi, tai không phù hợp để độn mông, ngực.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022