manhdatzing-1670235426208-1670235426413447290073.jpg

Dự báo mới đây của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho thấy một đợt không khí lạnh tăng cường tràn về trong ngày 4/12 và tiếp tục chi phối thời tiết miền Bắc. Ngày 5/12, Bắc Bộ chìm sâu trong rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất ở đồng bằng 13-15 độ C, vùng núi 10-13 độ C. Một số khu vực núi cao có thể dưới 5 độ C.

Kiểu hình thời tiết khắc nghiệt này tại miền Bắc gây ra nhiều nguy cơ lớn về sức khỏe cho một số nhóm người nhạy cảm, sức đề kháng kém.

Người cao tuổi, mắc bệnh nền

Trao đổi với Zing, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), một trong những nhóm có nguy cơ lớn nhất trong thời tiết này là người cao tuổi.

“Thông thường, không khí khi đi vào đường hô hấp phải được sưởi ấm. Tuy nhiên, thời tiết rét đậm như hiện nay khiến gió lạnh đi vào mũi, họng, làm giảm nhiệt tại những cơ quan thuộc đường hô hấp, từ đó gây ra các tình trạng như viêm họng, viêm xoang…”, BS Nguyễn Thị Thu Hằng giải thích.

quoctoanzing4-1670235443593-1670235443734261965077.jpg

Nhiều người cao tuổi phải tới khám sức khỏe do thời tiết lạnh. Ảnh: Quốc Toàn.

Một số người có sức đề kháng yếu thậm chí có thể bị viêm phế quản, viêm phổi… Với những người có bệnh nền phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiệt độ giảm đột ngột còn gây co thắt thanh quản, tạo ra các đợt cấp tính nguy hiểm.

Theo vị chuyên gia này, một số mặt bệnh thường gặp nhất trong bối cảnh thời tiết rét đậm như hiện nay là tăng huyết áp, viêm đường hô hấp, viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phổi, đột quỵ, hội chứng tiền đình do co thắt mạch máu não, thiếu máu não…

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Danh Cường, Phó trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Hà Nội), cũng cho hay đây là thời điểm lượng bệnh nhân nhập viện liên tục và nhiều nhất trong năm.

Những căn bệnh phổ biến nhất khiến bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu trong thời gian này liên quan đường hô hấp gồm viêm phổi, hen, viêm phế quản, đợt cấp của bệnh phổi mạn tính, phổi tắc nghẽn... Đặc biệt, các căn bệnh nguy hiểm cũng thường xuyên xảy ra như tăng huyết áp, đột quỵ.

"Khi thời tiết quá lạnh, người mắc bệnh mạn tính đang phải điều trị thuốc hàng ngày có thể do chủ quan mà trì hoãn việc tới bệnh viện mua và uống thuốc, khám định kỳ. Đây là nguyên nhân dễ dẫn đến tình trạng bệnh cấp tính với người mắc bệnh hô hấp, tim mạch", chuyên gia này nhận định.

Trẻ em

Theo TS Lê Hồng Hanh, khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), thời tiết lạnh khiến các loại virus rất dễ phát triển, nhất là virus gây bệnh đường hô hấp.

Viêm đường hô hấp được chia thành 2 loại: Viêm đường hô hấp trên và viêm đường hô hấp dưới. Trong đó, viêm đường hô hấp trên gồm các trường hợp viêm mũi, họng, VA, viêm amidan, viêm tai giữa.

Mặt khác, viêm đường hô hấp dưới thường diễn biến nặng như viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi.

Về triệu chứng, thông thường, trẻ sẽ bắt đầu với các biểu hiện như ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi hoặc khàn tiếng, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao.

thachthao22zing-1670235454218-16702354543741637814524.jpg

Trẻ em là nhóm có nguy cơ cao trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở miền Bắc. Ảnh: Thạch Thảo.

Đối với cảm lạnh thông thường hoặc viêm họng cấp, triệu chứng sẽ lui dần và khỏi bệnh trong vòng 5-7 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân có sức đề kháng kém, bị bội nhiễm viêm đường hô hấp dưới có thể gây viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi, nhất là ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.

“Nếu không được xử trí kịp thời có thể gây suy thở, sốt cao, co giật hoặc nhiễm trùng máu, thậm chí gây tử vong”, vị chuyên gia nói.

Phụ nữ mang thai

BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), cho biết phụ nữ trong giai đoạn mang bầu có sức đề kháng yếu.

Do đó, vị chuyên gia nhận định nhóm này cũng rất dễ bị các yếu tố bên ngoài tác động, virus tấn công gây nên bệnh tật, đặc biệt trong kiểu thời tiết cực đoan hiện nay.

BS Thành giải thích: “Khi mang thai, sự thay đổi nội tiết của người phụ nữ sẽ diễn ra mạnh mẽ. Điều này đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch của nhóm này sẽ kém đi nhiều”.

Chủ động phòng bệnh

Trong thời tiết rét đậm như hiện nay, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng khuyến cáo cách tốt nhất để phòng bệnh là cố gắng tránh bị tác động đột ngột từ môi trường. Trong đó, yếu tố quan trọng hàng đầu là đảm bảo sức đề kháng của cơ thể.

“Tuy nhiên, đây lại là yếu tố đòi hỏi cả một quá trình dài từ trước chứ không phải đến bây giờ chúng ta mới thực hiện”, vị chuyên gia nói.

Theo đó, để có một sức đề kháng tốt, chúng ta phải ăn uống đúng giờ, đủ các chất gồm đạm, tinh bột, chất béo và vitamin, song song với tập thể dục thường xuyên. Chế độ sinh hoạt phải đảm bảo khoa học.

Để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt đối với sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần đảm bảo ấm phần đầu, mặt, cổ, chân, tránh ra ngoài trời làm thay đổi nhiệt độ đột ngột, dậy sớm hay thức khuya.

Ngoài ra, các gia đình nên giữ môi trường trong nhà ấm, hạn chế gió lùa nhưng đủ thông thoáng, sạch sẽ. Môi trường ẩm thấp có thể sinh ra nhiều vi khuẩn, virus dẫn đến các bệnh lý liên quan đường hô hấp.

Với người mắc cao tuổi, mắc bệnh mạn tính, cần duy trì uống thuốc đầy đủ và đúng giờ. Việc trì hoãn hay dùng sai liều lượng có thể ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị. Nếu có bất thường trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân nên nhờ sự tư vấn từ nhân viên y tế và cơ sở khám, chữa bệnh uy tín.

Với trẻ nhỏ, TS Hanh khuyến cáo cha mẹ cần chú ý đảm bảo giữ đủ ấm cho con (lưu ý giữ ấm chân, tay, ngực, cổ, đầu). Tuy nhiên, cha mẹ không nên ủ ấm quá mức khiến trẻ toát mồ hôi, dẫn đến nhiễm lạnh, viêm phổi. Ngoài ra, cha mẹ hạn chế cho trẻ ra ngoài khi nhiệt độ xuống thấp.

Bên cạnh đó, trẻ cần ăn uống đủ chất, nhiều hoa quả để nâng cao sức đề kháng, uống nước ấm, tránh sử dụng thực phẩm lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Nhà cửa nên vệ sinh sạch sẽ, tuyệt đối không đốt củi, sưởi than trong phòng kín.

Cuối cùng, phụ huynh cần cho trẻ tham gia đầy đủ lịch tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng, không nên vì thời tiết lạnh trì hoãn việc này.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022