Cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu bất thường về tuyến giáp ở trẻ em nhằm phát hiện sớm suy giáp ở trẻ để điều trị sớm nhất có thể, tránh các biến chứng như chậm phát triển, các bệnh lý tim mạch, xương khớp…
Các dấu hiệu suy giáp ở trẻ
Nhận biết suy giáp ở trẻ bằng cách nào? Suy giáp ở trẻ em có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào kể cả trẻ sơ sinh . Ở mỗi một độ tuổi, biểu hiện suy giáp ở trẻ khác nhau và khác với ở người lớn.
BSCKII Lê Thị Phương Huệ - Trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Thanh Nhàn
Suy giáp ở trẻ sơ sinh
Ở trẻ sơ sinh mắc suy giáp thường ít có triệu chứng, do vậy cha mẹ dễ bỏ qua từ đó dẫn tới việc điều trị muộn gây ảnh hưởng đến phát triển về trí tuệ và thể chất của trẻ. Thông thường, suy giáp ở trẻ sơ sinh thường được phát hiện qua sàng lọc. Một số dấu hiệu có thể cảnh báo suy giáp ở trẻ sơ sinh thường gặp là:
- Có cân nặng lúc sinh ra lớn hơn so với bình thường
- Thóp trước lớn, lưỡi to bè và thò ra ngoài
- Bụng to , rốn lồi và xuất hiện tình trạng táo bón kéo dài
- Quan sát thấy trẻ ít hoặc giảm vận động, ít khóc và ngủ nhiều
- Tình trạng vàng da sơ sinh kéo dài hơn 2 tuần
- Da khô nhưng không liên quan đến bệnh lý về gan
- Da lạnh, chân tay lạnh và nhiệt độ cơ thể khoảng 35 độ C.
Suy giáp ở trẻ nhỏ
Ở trẻ sau sinh và trẻ nhỏ, suy giáp có những biểu hiện rõ ràng hơn như:
- Mọc răng chậm, tóc dễ gãy và khô
- Da khô, táo bón và mệt mỏi
- Phát triển chậm hơn bình thường như chậm biết đi, chậm phát triển chiều cao, cân nặng…
- Không nhạy cảm, thờ ơ với tiếng động
Ở giai đoạn này, triệu chứng có thể đã rõ ràng nhưng thường bệnh đã ở giai đoạn muộn và có ảnh hưởng đến não bộ của trẻ. Do thời điểm này não bộ của trẻ phát triển nhanh, chỉ trong năm đầu tiên trẻ đã phát triển 75% bộ não của người trưởng thành.
Suy giáp ở trẻ là bệnh gì?
Suy giáp ở trẻ là tình trạng thiếu hụt hormone tuyến giáp hay tuyến giáp hoạt động kém. Suy giáp ở trẻ có chữa được không? Nếu trẻ mắc suy giáp bẩm sinh thì không thể chữa khỏi bệnh và cần sử dụng hormone thay thế đến suốt đời. Đối với trẻ mắc suy giáp thứ phát, nếu được phát hiện sớm có thể điều trị khỏi và phát triển bình thường.
Suy giáp ở trẻ được chia làm 2 loại là suy giáp trạng bẩm sinh và suy giáp thứ phát:
Suy giáp trạng bẩm sinh : Là trường hợp trẻ sinh ra đã mắc suy giáp. Nguyên nhân dẫn tới suy giáp trạng bẩm sinh thường gặp là:
- Trẻ sinh ra không có tuyến giáp
- Trẻ sinh ra có một phần tuyến giáp rất nhỏ (tuyến giáp thiểu sản)
- Tuyến giáp không sản xuất đủ hormone, lạc chỗ
- Trẻ mắc rối loạn tổng hợp hormone tuyến giáp bẩm sinh
Suy giáp ở trẻ có thể phát hiện sớm thông qua sàng lọc bẩm sinh.
Suy giáp thứ phát . Một số nguyên nhân gây ra tình trạng suy giáp thứ phát ở trẻ có thể gặp là:
- Trong gia đình có người mắc suy giáp, điều này làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra mắc suy giáp. Hoặc khi người mẹ mang thai mắc bệnh lý về tuyến giáp nhưng không điều trị dẫn tới ảnh hưởng lên sự phát triển của não bộ và thần kinh của thai nhi.
- Trẻ mắc các bệnh lý liên quan đến thần kinh như: vùng dưới đồi tuyến yên có u hoặc bị suy vùng dưới đồi tuyến yên dẫn tới việc tổng hợp hormone tuyến giáp bị ảnh hưởng.
- Trẻ mắc ung thư tuyến giáp phải cắt bỏ tuyến giáp hoặc mắc các bệnh lý ung thư khác cần phải xạ trị ở phần cổ gây ra suy giáp.
Suy giáp ở trẻ có thể phát hiện sớm thông qua sàng lọc sơ sinh . Các bà mẹ mang thai cần tới cơ sở y tế thăm khám để được thăm khám và phát hiện những bất thường kịp thời.