Diếp cá (tên khoa học: Houttuynia cordata) vốn là loại rau quen thuộc trong bữa ăn người Việt. Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3), diếp cá còn là dược liệu dân gian hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý như trĩ, táo bón, sỏi thận, viêm phổi có mủ, viêm ruột, đau mắt đỏ, kinh nguyệt không đều, sởi, đau răng, sốt rét và cả sài giật ở trẻ nhỏ.
Dưới đây là những bài thuốc phổ biến từ loại rau này, được lưu truyền trong dân gian và ứng dụng thực tế.
Trị sỏi thận, tiểu buốt nhờ sắc lá
Người bị sỏi thận có thể sắc uống 20g diếp cá, 15g rau dệu, 10g cam thảo đất mỗi ngày. Một cách khác là sao vàng 100g diếp cá, hãm với 1 lít nước sôi, dùng thay nước uống hàng ngày trong hai tháng.
Với tình trạng tiểu buốt, tiểu dắt, bài thuốc “bộ ba rau xanh” gồm 20g diếp cá, 40g rau má và 40g rau mã đề, giã nhuyễn, lọc lấy nước uống 3 lần mỗi ngày, dùng liên tục 7-10 ngày cũng giúp cải thiện đáng kể.
Hỗ trợ trị trĩ bằng cách xông và đắp
Diếp cá được biết đến nhiều nhất trong hỗ trợ điều trị bệnh trĩ. Bên cạnh việc ăn sống hàng ngày, bạn có thể nấu nước lá để xông, ngâm và rửa hậu môn khi nước còn ấm. Phần bã sau đó đem đắp trực tiếp lên búi trĩ giúp giảm đau rát, kháng viêm.

Diếp cá không chỉ là loại rau sống dân dã mà còn được xem như “thần dược” trong y học cổ truyền. (Ảnh minh hoạ)
Tắc sữa, táo bón, kinh nguyệt không đều
Với phụ nữ bị tắc tia sữa, có thể dùng 25g diếp cá khô kết hợp 10 quả táo đỏ, sắc với 3 bát nước còn lại 1 bát, chia 2 lần uống mỗi ngày trong 3–5 ngày.
Người bị táo bón có thể sao khô 10g diếp cá, hãm như trà và uống mỗi ngày trong 10 ngày để hỗ trợ nhuận tràng.
Trường hợp rối loạn kinh nguyệt, dùng 40g diếp cá và 30g ngải cứu tươi, giã nhuyễn, lọc lấy nước uống hai lần mỗi ngày, bắt đầu trước kỳ kinh khoảng 10 ngày, uống liên tục trong 5 ngày.
Người Việt có 1 loại rau giảm mỡ nội tạng đứng hàng tiên phong, thế giới nức nở khen vì siêu giàu dinh dưỡng, rất lợi cho phụ nữ
Trẻ sốt cao, mẹo hạ nhiệt bằng lá diếp cá
Dân gian còn lưu truyền bài thuốc hạ sốt cho trẻ nhỏ bằng cách giã 30g diếp cá tươi, pha nửa bát nước nguội, đun sôi, để ấm và cho uống. Phần bã được dùng đắp hai bên thái dương giúp hạ nhiệt tự nhiên.
Không chỉ chữa bệnh, còn dưỡng nhan
Ngoài công dụng chữa bệnh, diếp cá còn được dùng trong làm đẹp. Nước cốt lá tươi thoa đều lên mặt và cổ, để 15 phút trước khi rửa lại bằng nước mát giúp da mịn màng.
Muốn làm sạch bã nhờn và ngừa mụn, có thể giã diếp cá với ít muối hột, đắp vùng trán, mũi – nơi tuyến dầu hoạt động mạnh.
Hỗn hợp nước cốt diếp cá trộn cùng nha đam tươi là mặt nạ lý tưởng cho da mụn viêm, giảm thâm, làm dịu và se khít lỗ chân lông. Tuy nhiên cần bỏ phần vỏ xanh nha đam để tránh kích ứng.
Để dưỡng trắng, có thể trộn đều nước cốt diếp cá với mật ong nguyên chất, đắp 2–3 lần mỗi tuần, mỗi lần 15–20 phút, giúp da sáng và đều màu hơn.
Lưu ý khi sử dụng
Diếp cá có tính hàn nên không phù hợp với người tỳ vị hư, hay lạnh bụng, tiêu chảy. Dù là rau hay vị thuốc, vẫn nên dùng ở liều lượng hợp lý và theo dõi phản ứng cơ thể. Khi có dấu hiệu bất thường, cần ngưng dùng và tham khảo ý kiến bác sĩ.