Ngày 15/5, TS.BS.CK2 Trà Anh Duy, Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men's Health, cho biết bệnh nhân đến khám vì tiểu đau rát và nổi mụn ở vùng sinh dục. Anh là người đồng tính nam, thường quan hệ không bao cao su với đối tác quen qua mạng và ứng dụng hẹn hò. Người bệnh cho biết từng có hơn 10 bạn tình trong 6 tháng.

Gần đây, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng bất thường nên rất lo sợ. Sau thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán anh mắc HIV giai đoạn đầu và giang mai.

"Bệnh nhân bị cùng lúc cả HIV và giang mai nên được giới thiệu đến cơ sở điều trị chuyên sâu để theo dõi, đánh giá tình hình", bác sĩ nói, thêm rằng việc mắc HIV và bệnh tình dục khá thường gặp ở người quan hệ tình dục không an toàn.

Việt Nam hiện có khoảng 267.000 người sống chung với HIV, trong đó lây nhiễm qua đường tình dục chiếm tới 80,8%, tăng mạnh so với con số 47,5% vào năm 2010. Đặc biệt, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm tỷ lệ cao nhất với 42,2% trong số ca mới phát hiện năm 2024. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM đã vượt qua nhóm tiêm chích ma túy. Trong đó, nhóm trẻ tuổi có xu hướng quan hệ tình dục sớm, ít sử dụng bao cao su, và không xét nghiệm HIV định kỳ.

Theo bác sĩ Duy, các yếu tố nguy cơ chính dẫn đến tình trạng HIV tăng nhanh ở nhóm MSM bao gồm áp lực từ định kiến xã hội, gia đình khiến nhiều MSM trẻ giấu kín xu hướng tính dục. Điều này khiến họ không dễ dàng tiếp cận thông tin đúng đắn và tránh xa các dịch vụ y tế vì lo sợ bị kỳ thị. Theo nghiên cứu trên Journal of the International AIDS Society, kỳ thị nội tâm làm giảm khả năng tìm kiếm dịch vụ chăm sóc HIV một cách chủ động.

Nhiều MSM trẻ tuổi chưa có kỹ năng đàm phán tình dục an toàn, thường xuyên sử dụng chất kích thích (chemsex), và thay đổi bạn tình liên tục. Các nghiên cứu gần đây phát hiện tình trạng sử dụng chất kích thích trong quan hệ tình dục (chemsex) ngày càng phổ biến, đặc biệt trong nhóm MSM, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và STIs. Khảo sát trên 269 người MSM tại Việt Nam cho thấy 71% không sử dụng bao cao su thường xuyên trong các buổi chemsex, chỉ 11% biết tình trạng HIV/STIs của bạn tình.

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt về giáo dục giới tính toàn diện trong nhà trường và cộng đồng càng khiến tình trạng này trở nên trầm trọng.

Các ứng dụng hẹn hò giúp MSM trẻ dễ dàng tiếp cận bạn tình. Theo nghiên cứu công bố trên AIDS and Behavior, việc sử dụng ứng dụng hẹn hò thường xuyên liên quan đến tỷ lệ quan hệ tình dục không an toàn cao hơn. Trong khi đó, quan hệ qua đường hậu môn dễ lây nhiễm bệnh. Lý do là niêm mạc ở trực tràng, hậu môn mỏng, không tiết ra chất bôi trơn nên dễ bị tổn thương và bị virus xâm nhập hơn so với niêm mạc âm đạo.

Điều này không chỉ đến từ việc gặp gỡ nhanh chóng, mà còn vì văn hóa phổ biến trên các nền tảng này. MSM trẻ tuổi có thể cảm thấy dễ dàng kết nối, nhưng lại thiếu thời gian để xây dựng sự tin tưởng nhằm đàm phán về an toàn tình dục.

Dù vậy, kỳ thị từ cộng đồng, gia đình và thậm chí cả nhân viên y tế là rào cản lớn đối với công tác phòng chống HIV. Một nghiên cứu tại TP HCM thực hiện năm 2022 cho thấy gần 40% MSM dưới 25 tuổi không dám đến cơ sở y tế để xét nghiệm HIV vì lo ngại bị lộ danh tính hoặc bị phán xét.

Thiếu tin tưởng vào nhân viên y tế, lo sợ bị tiết lộ thông tin cá nhân khiến MSM trẻ không đi khám hoặc từ chối tham gia các chương trình PrEP. Theo một khảo sát do PATH Vietnam thực hiện năm 2021, có đến 38% MSM dưới 25 tuổi từng bỏ liều PrEP ít nhất 3 lần trong vòng 3 tháng.

Ngoài ra, không phải cơ sở y tế nào cũng thân thiện với cộng đồng LGBT, tạo thêm rào cản trong tiếp cận, dẫn đến người bệnh phát hiện muộn hoặc tiếp tục lây truyền HIV cho người khác.

bs-duy-jpeg-1747276853-1747276-8418-3253-1747277223.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7kTpAWU1qrIVWRWmoOo_aA

Bác sĩ Duy thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Lâm Anh

Chuyên gia dự báo số người nhiễm trong nhóm MSM tiếp tục tăng thời gian tới. Lý do là đặc tính nhóm này sinh sống trải đều ở các tỉnh thành, rất khó để tiếp cận theo vùng như phương pháp đã làm với người nghiện ma túy. Đặc biệt, nhóm này thường có tâm lý e ngại, khó tiếp cận.

Để điều trị hiệu quả HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các bác sĩ cho rằng cần áp dụng cách tiếp cận toàn diện, không chỉ dừng lại ở thuốc, mà còn tích hợp đánh giá và hỗ trợ sức khỏe tâm thần như một phần không thể thiếu trong phác đồ.

Song song, cần đẩy mạnh truyền thông xã hội, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về các bệnh lây qua đường tình dục như một vấn đề y học, không phải đạo đức. Việc giảm kỳ thị và tăng hiểu biết sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc tầm soát, tiếp cận dịch vụ y tế và duy trì điều trị lâu dài.

Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Kết thúc dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn ca nhiễm mới hay ca tử vong do AIDS, mà đảm bảo rằng AIDS không còn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng, với các tiêu chí như số ca nhiễm HIV mới dưới 1.000 ca mỗi năm và tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con dưới 2%.

Bộ Y tế khuyến cáo những người chưa nhiễm HIV thuộc các nhóm nguy cơ cao như nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người bán dâm, người tiêm chích ma túy... dùng dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) bằng cách uống mỗi ngày một viên thuốc để ngừa bệnh.

Người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc ARV, tuân thủ điều trị thì thông thường sau 6 tháng tải lượng virus xuống dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu). Khi đó, người này sẽ không lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, làm giảm lây truyền từ mẹ sang con. Nhờ đó, nhiều người nhiễm HIV vẫn lấy vợ, sinh con khỏe mạnh.

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022