bai-chinh-4055-1698392793749-16983927946231495569899.jpg

Điều trị cho bệnh nhân nguy kịch do bị chó cắn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Ảnh: BVCC.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi nhiễm trùng do tụ cầu vàng sau khi bị chó cắn. Trường hợp thứ nhất, bé gái Đ.K.L. (6 tuổi) bị chó nhà hàng xóm cắn vào cẳng chân trái trong lúc đạp xe. Trẻ đã được khâu vết thương nhưng sau 7 ngày vết cắn không khỏi, mưng mủ và bị nhiễm trùng, gia đình đã đưa trẻ đến bệnh viện.

Trường hợp thứ hai, bé trai Đ.H.T. (6 tuổi) cũng bị chó nhà hàng xóm tấn công trong lúc đang chơi. Sau khi bị chó cắn, gia đình đã đưa trẻ đi khâu vết thương. Nhưng do vết thương quá sâu nên gia đình đã chủ động đưa trẻ xuống bệnh viện tuyến Trung ương để xử lý. Sau khi điều trị gần 1 tháng, vết thương chưa liền lại và xuất hiện nhiễm trùng, gia đình đã đưa trẻ đến viện điều trị.

  • 2 trẻ bị nhiễm trùng do tụ cầu vàng sau khi bị chó cắnĐọc ngay

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ xác định cả 2 bệnh nhi đều nhiễm trùng do tụ cầu vàng sau khi bị chó cắn. Sau điều trị 7 ngày, vết thương đã khô, tình trạng ổn định 2 bệnh nhi được ra viện.

Gần đây nhất, Trung tâm Y tế TP Uông Bí (Quảng Ninh) đã thông báo trên địa bàn vừa có cháu bé bị chó cắn dẫn đến nguy kịch. Nạn nhân là cháu V.Đ.T. (7 tuổi, ở TP Uông Bí) bị chó nhà hàng xóm cắn vào cẳng tay trái. Lúc này, con chó chưa được tiêm phòng bệnh dại. Sau 10 ngày bị cắn, trẻ lên cơn sốt và phải vào Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cấp cứu. Do tình trạng xấu đi, bệnh nhi được chuyển viện lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng nguy kịch, sùi bọt mép và có tiên lượng rất xấu.

Theo chuyên gia y tế, vết thương do chó cắn thường khá sâu và có nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Khi bị chó cắn, thông qua các vết thương hở, người bệnh có nguy cơ mắc bệnh dại hoặc bị các vi khuẩn gây nhiễm trùng tại vết thương như uốn ván, tụ cầu, liên cầu, tụ cầu vàng kháng methicillin…

Do đó, các vết thương khi bị chó cắn cần được xác định xử trí sớm qua những bước thông thường, như làm sạch, bơm rửa, cắt lọc vết thương để hở, sử dụng thuốc kháng viêm, tránh trường hợp bị nhiễm trùng, tiêm phòng huyết thanh kháng dại, tiêm phòng uốn ván…

Sau đó, người bệnh cần được theo dõi, nếu gặp các tình trạng nghiêm trọng như vết thương chó cắn bị nhiễm trùng, mưng mủ, nên đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, đáng lo ngại nhất khi bị chó mèo cắn là nguy cơ mắc bệnh dại. BS Hoàng Đình Khánh - Trung tâm Phòng, chống dịch (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) khuyến cáo, có một số trường hợp không biết hoặc chủ quan trong điều trị vết thương do chó, mèo cắn, cào dẫn đến bị nhiễm bệnh dại. Trong khi đó, bệnh dại khi đã lên cơn tỷ lệ tử vong là 100%. Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và lượng virus dại được truyền sang người. Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Để phòng tránh nguy cơ chó, mèo cắn, cào, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân khi nuôi chó, mèo cần tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, không thả rông vật nuôi, chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh hay bảo mẫu cần hết sức lưu ý tránh để trẻ chơi với chó lạ hay chó, mèo có kích thước lớn, hung dữ.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, đối với vết thương nhỏ cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút, sau đó làm sạch vết thương bằng các loại thuốc sát trùng như cồn, ô xy già. Trường hợp vết thương chảy máu, dùng gạc y tế vô khuẩn đắp lên vết thương, băng ép. Nếu vết thương ngoài da sâu và máu chảy bắn thành tia cần dùng dây thun để garô xung quanh vết thương, băng lại và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc, sử dụng thảo dược ko rõ nguồn gốc bôi, đắp vào vết thương, tự chữa bằng các mẹo dân gian, mẹo trên mạng xã hội…

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022