Kim Sae Ron đã phải điều trị trầm cảm trong thời gian dài
Ngày 16/2, Naver đưa tin nữ diễn viên trẻ Kim Sae Ron được phát hiện qua đời tại nhà riêng khi mới 25 tuổi. Cái chết đột ngột khi còn quá trẻ của một diễn viên từng được coi là “thần đồng diễn xuất” như Kim Sae Ron khiến nhiều người hâm mộ không khỏi ngỡ ngàng cùng đau xót.
Liên quan đến câu chuyện này, theo tờ News 1, vào ngày 17/2, một nguồn tin thân cận với Kim Sae Ron cho biết, nữ diễn viên trước đó đã mắc chứng trầm cảm nghiêm trọng.

“Chứng trầm cảm của Kim Sae Ron nghiêm trọng đến mức những người xung quanh đều lo lắng cho cô ấy. Tuy cô ấy đã mạnh mẽ để trở lại và tự nguyện điều trị chứng trầm cảm nhưng dư luận vẫn rất tiêu cực và khó để chữa lành một trái tim tổn thương. Thật đau đớn khi chẳng thể cho những người ngoài kia biết rằng Kim Sae Ron đã đau khổ vì căn bệnh này biết nhường nào.” - người này cho hay.
Được biết, vào năm 2022, khi sự nghiệp của nữ diễn viên trẻ được mệnh danh “thần đồng diễn xuất” Kim Sae Ron khi đang lên đà phát triển, thì cô vướng vào vụ bê bối do gây tai nạn trong tình trạng say xỉn. Nữ diễn viên không những bị phạt 20 triệu won (khoảng 350 triệu đồng) đối với hành vi này mà còn buộc dừng mọi hoạt động diễn xuất cũng như phải đền bù các hợp đồng trước đó với một số tiền khá lớn.
Cô cũng đã cố gắng tiếp tục sự nghiệp của mình bằng cách tham gia một bộ phim vào tháng 4/2024 nhưng cuối cùng cũng phải rút lui vì vấn đề sức khỏe sau khi liên tục nhận về những lời chỉ trích.
Đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân cái chết của Kim Sae Ron được xác định là do tự vẫn.
Một số dấu hiệu có thể cho thấy người bệnh trầm cảm muốn tự tử
Bác sĩ chuyên khoa Nội tổng quát Nguyễn Thị Hải Đan cho biết, trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 15%-17% dân số và có tỷ lệ nguy cơ tự tử cao, khoảng 15%. Người bệnh trầm cảm có thể có những suy nghĩ tự tử khác nhau, từ những ý nghĩ thoáng qua đến những kế hoạch cụ thể và nghiêm túc với một số dấu hiệu:
- Thể hiện sự tuyệt vọng, vô vọng, không có mục đích sống, viết thư tuyệt mệnh hoặc để lại những lời nhắn cuối cùng.
- Nói về cái chết, tự sát hoặc tìm cách gây hại cho bản thân hoặc người khác.
- Có những hành vi nguy hiểm, liều lĩnh hoặc bất thường như lái xe quá tốc độ, uống rượu quá mức hoặc sử dụng chất gây nghiện.

- Rút lui khỏi gia đình, bạn bè hoặc các hoạt động xã hội trước đây.
- Có những biểu hiện cảm xúc tiêu cực, như cảm giác tội lỗi, xấu hổ, bất lực hoặc không xứng đáng.
- Có những thay đổi trong thói quen ăn uống, ngủ hoặc chăm sóc bản thân; Trao đổi hoặc tặng đi những vật dụng quan trọng hoặc có ý nghĩa.
Nếu nhận thấy một số dấu hiệu này ở người bệnh trầm cảm, hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ, cơ sở y tế hoặc tổ chức hỗ trợ để được tư vấn và can thiệp kịp thời. Tự tử là một hiện tượng phức tạp và đa chiều, có thể được phòng ngừa và điều trị nếu được phát hiện sớm và chăm sóc thích hợp.
Khi nào một người cần điều trị tâm lý?
Theo thạc sĩ - chuyên gia tâm lý Lê Thế Hanh (Viện Tâm lý - Giáo dục BrainCare), dưới đây là 5 hiện tượng mà mỗi người cần tự đánh giá để có thể xác định bản thân có cần điều trị tâm lý hay không
- Thường xuyên có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân và những người khác, hoặc suy nghĩ quá mức về một vấn đề mà dẫn đến sự bế tắc.

- Có những suy nghĩ về cái chết, sự trả thù hay tự làm đau bản thân.
- Cảm xúc cực đoan buồn quá mức hoặc vui quá mức mà không thể kiểm soát, cảm xúc tức giận cực phát mà không thể tự điều tiết được bản thân.
- Có những suy nghĩ người khác đang hãm hại mình và bị hoảng sợ quá mức về những yếu tố tiêu cực trong cuộc sống.
- Có những hành vi làm tổn thương bản thân hoặc người khác cũng như những hành động khi bình tĩnh lại cảm thấy tội lỗi.
Ngoài ra, còn rất nhiều biểu hiện cảm xúc, hành vi và suy nghĩ không phù hợp của cho thấy chúng ta đang cần được sự hỗ trợ tâm lý. Những khía cạnh này tựu chung là các cảm giác khó chịu, không được tự do, thoải mái, bí bách và cảm thấy mình bị cùn mòn những hứng thú trong cuộc sống. Nếu gặp những vấn đề tâm lý thì mỗi người nên mạnh mẽ tìm kiếm sự trợ giúp phù hợp.