Người đàn ông tên Lu cho biết khoảng hai tháng trước, khi gia đình đang chơi bên suối, con gái anh bị một con cua kẹp vào tay gây chảy máu. Để "trả thù", người đàn ông nhai sống con cua ngay tại chỗ. Sau đó, anh bị nhiễm ba loại ký sinh trùng khác nhau và phải nhập viện.
Các cơ quan y tế từng nhiều lần khuyến cáo không nên ăn sống cua hoặc các loại hải sản có vỏ, bởi chúng dễ bị nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc các mầm bệnh khác.
Dù vậy, Lu không nhận thức được mối nguy hại từ hành động ăn cua sống. Tại quê hương Chiết Giang của anh, người dân thường ăn cua sống ngâm rượu, gọi là "cua say".
"Cua sống được ngâm trực tiếp trong một thùng chứa đầy rượu mạnh, nồng độ cồn cao như rượu Cao Lương, chưng cất từ lúa, cộng thêm các gia vị khác nhau như hồi, quế, hạt tiêu và vỏ cam", tờ Shanghai Daily mô tả món ăn, thêm rằng rượu làm tăng thêm hương thơm và có tính khử trùng. Người dân sẽ sử dụng món cua sau vài ngày ướp. Cua sống phải được nuôi ở khu vực nước sạch, không nhiễm khuẩn.
Một con cua thuộc giống cua đất xanh. Ảnh: Pixabay
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo "rượu không thể tiêu diệt hết vi khuẩn trong cua, có thể dẫn đến bệnh về đường ruột". Theo Cơ quan An toàn Thực phẩm Mỹ, cua sống có thể chứa các mầm bệnh khác nhau, gồm vi khuẩn như Vibrio cholerae và Vibrio parahaemolyticus, ký sinh trùng (ví dụ Paragonimus westermani, còn gọi sán lá phổi).
Tùy thuộc vào từng mầm bệnh, người tiêu dùng có thể mắc các triệu chứng khác nhau sau khi ăn cua sống. Ví dụ, vi khuẩn Vibrio cholerae gây tiêu chảy nghiêm trọng, nôn mửa, có thể dẫn đến mất nước. Nếu điều trị chậm trễ, người bệnh có thể tử vong. Còn sán lá phổi di truyền trong cơ thể một thời gian, thường kết thúc ở phổi và gây bệnh phổi. Sán đôi khi di chuyển lên não, gây ra triệu chứng viêm màng não.
Sử dụng các nguyên liệu như rượu, dấm, xì dầu, tỏi, ớt để ướp cua không thể loại bỏ những vi sinh vật này. Nấu chín thức ăn là cách duy nhất giúp ngăn ngừa các bệnh do vi khuẩn gây ra.
Thục Linh (Theo Sputnik)