Mới đây, tại Đại hội Tim mạch Dự phòng của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu, các chuyên gia đã phát hiện ra rằng giấc ngủ trưa nhiều 30 phút mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn nhịp tim, cụ thể là tăng nguy cơ mắc rung nhĩ.

Rung nhĩ là một dạng loạn nhịp nhanh với hoạt động điện của cơ nhĩ không được kiểm soát hoàn toàn hoặc loạn hoàn toàn và hậu quả gây ra tình trạng co bóp cơ nhĩ không hiệu quả. Theo thống kê, rung nhĩ ảnh hưởng đến hơn 40 triệu người trên toàn thế giới và những người mắc rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần so với những người không mắc căn bệnh này.

Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Juan Ramon Jimenez, Tây Ban Nha đã phân tích dữ liệu của hơn 20.000 người không mắc rối loạn nhịp tim trong vòng 13 năm. Những người tham gia điền vào bảng câu hỏi 2 năm/lần và được phân loại thành ba nhóm theo thời gian ngủ trưa trung bình hàng ngày của họ, bao gồm nhóm không ngủ trưa, ngủ trưa ít hơn 30 phút và ngủ trưa nhiều hơn 30 phút.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, so với những người ngủ trưa ngắn hơn 30 phút, những người ngủ trưa từ 30 phút trở lên mỗi ngày có nguy cơ mắc chứng rung nhĩ cao gần gấp đôi.

Các phân tích sâu hơn cho thấy thời gian ngủ trưa lý tưởng dường như là từ 15-30 phút. So với những người ngủ trưa nhiều hơn 30 phút mỗi ngày, những người ngủ trưa dưới 15 phút có nguy cơ phát triển rung tâm nhĩ thấp hơn 42%; còn những người ngủ trưa từ 15-30 phút giảm 56% nguy cơ phát triển rối loạn nhịp tim.

lifestyle-napping-web-1-1681445848398-1681445848501851584212-1681449732993-16814497332572117411673.jpg

Ảnh minh họa: Những người ngủ trưa từ 30 phút trở lên mỗi ngày có nguy cơ mắc chứng rung nhĩ cao gần gấp đôi.

Tác giả của nghiên cứu, tiến sĩ Diaz-Gutierrez tại Bệnh viện Đại học Juan Ramon Jimenez cho biết: “Các nghiên cứu trước đây cho thấy các giấc ngủ có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của chứng rung tâm nhĩ. Nghiên cứu của chúng tôi cũng chỉ ra rằng thời gian chợp mắt buổi trưa nên được giới hạn dưới 30 phút”.

Chuyên gia Gutierrez cho biết có rất nhiều lời giải thích tiềm năng cho mối liên hệ giữa giấc ngủ trưa và sức khỏe tim mạch.

Ví dụ, những giấc ngủ ngắn vào ban ngày có thể làm gián đoạn đồng hồ sinh học của cơ thể, gây ảnh hưởng tới giấc ngủ ban đêm. Mọi người có thể tỉnh giấc nhiều lần trong đêm hơn và có thể dẫn tới giảm các hoạt động thể chất vào hôm sau.

Tiến sĩ Gutierrez nói thêm: “Những người bị rối loạn giấc ngủ vào ban đêm nên tránh ngủ trưa vì điều này có thể làm trầm trọng tình trạng bệnh hơn”.

PGS.TS Raj Dasgupta về y học lâm sàng tại Trường Y Keck thuộc Đại học Nam California, chuyên gia về giấc ngủ (người không tham gia vào nghiên cứu trên) cho biết: “Một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa chỉ nên kéo dài từ 15-20 phút. Tuy nhiên, nếu bạn bị mất ngủ mạn tính, chúng tôi không khuyến khích ngủ trưa vì nó có thể gây mất ngủ vào ban đêm”.

Trước đó, vào năm 2022, một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Hypertension, của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng chỉ ra rằng những người có thói quen ngủ trưa có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp cao hơn 12% theo thời gian và có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 24% so với những người không bao giờ ngủ trưa.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022